Tập huấn Giao tiếp ứng xử năm 2024 Chủ đề: “Giao tiếp thấu cảm thông qua hoạt động hướng dẫn, giáo dục người bệnh hiệu quả”

Nhằm cập nhật và nhắc lại các nội dung của thông tư 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, đồng thời mong muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp, quy tắc ứng xử, năng lực giải quyết công việc, tính gương mẫu, tận tụy, trách nhiệm đối với công việc của nhân viên y tế tại bệnh viện; từ ngày 05/6 đến 06/6, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức đã tổ chức chương trình Tập huấn giao tiếp ứng xử năm 2024 với chủ đề “Giao tiếp thấu cảm thông qua hoạt động hướng dẫn, giáo dục người bệnh hiệu quả”. Chương trình có sự đồng hành của Trung tâm Nghiên cứu cải tiến Y tế CHIR và nhà tài trợ Công ty TNHH Sản xuất Hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s).
Phát biểu khai mạc, BSCKII. Hoàng Văn Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức cho biết: “Hàng năm, các chương trình tập huấn đều được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử cho đội ngũ nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện. Về công tác chuyên môn, bệnh viện đã và đang thực hiện tốt khi có những dấu hiệu tích cực. Bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề cần cải thiện hơn như giao tiếp ứng xử giữa nhân viên với nhân viên, giữa nhân viên với người bệnh. Chính vì vậy, chương trình tập huấn hôm nay là cơ hội cho toàn bộ nhân viên y tế được học hỏi, cải thiện kỹ năng giao tiếp để kết nối với người bệnh tốt hơn, đồng thời thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp, tạo một môi trường thân thiện từ đó nâng cao hiệu quả công việc”.
Tiếp theo chương trình, BS. Phan Thị Lan Viên – Đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Y tế (CHIR), Trưởng dự án Áo Blouse Màu đã đem đến những thông tin hữu ích qua bài báo cáo “Giao tiếp thấu cảm thông qua hoạt động hướng dẫn – giáo dục người bệnh hiệu quả”. Những kiến thức, trải nghiệm được BS. Lan Viên chia sẻ giúp hiểu rõ lý do cần cải thiện giao tiếp và cơ chế cảm xúc để nhận diện được được mong muốn, cảm xúc của chính bản thân và nhu cầu của người khác; vận dụng các nguyên lý cụ thể để xử lý tình huống hợp lý.
Chương trình đã diễn ra sôi nổi thông qua các câu đố, trò chơi nhỏ, hoạt động hỏi – đáp giữa báo cáo viên và thành viên tham dự. Thông qua đó, các kỹ năng giao tiếp ứng xử được tiếp thu tốt hơn và vận dụng thực hành hằng ngày, tạo sự chuyển biến về thái độ, hành vi ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp trong y học.