Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Một số dấu hiệu và triệu chứng người bệnh và người nhà cần lưu ý trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh, cụ thể như sau:
CÁC DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SỐT XUẤT HUYẾT NHƯ:
– Sốt cao đột ngột liên tục từ 2-7 ngày;
– Xuất huyết dạng chấm hoặc mảng ở da;
– Đau nhức cơ, đau khớp, đau đầu.
CÁC DẤU HIỆU NGUY HIỂM CẦN PHẢI ĐƯA NGAY ĐẾN CƠ SỞ Y TẾ GẦN NHẤT:
– Người bệnh bứt rứt, vật vã, li bì;
– Bàn tay, bàn chân lạnh, vã mồ hôi, tím tái;
– Chảy máu mũi, chân răng, chảy máu đường tiêu hóa bất thường;
– Nôn ói nhiều, đau bụng nhiều.
Chủ đề Ngày ASEAN Phòng chống sốt xuất huyết năm 2024 là: “Tìm kiếm và loại bỏ ngay nơi sinh sản của muỗi vằn”. Do vậy người dân cần lưu ý 07 nguyên tắc để không có lăng quăng, muỗi vằn phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả:
– Ngăn cản muỗi tiếp xúc với nguồn nước;
– Sử dụng thiên địch của ấu trùng muỗi;
– Sử dụng hóa chất để diệt ấu trùng muỗi;
– Không để các vật có thể chứa nước bị đọng nước;
– Loại bỏ vật chứa;
– Thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước, vật dụng dẫn nước;
– Thay đổi hình thức trữ nước
Bên cạnh đó, cần lắp màn tránh muỗi khu vực ngủ và cửa sổ (nơi tiếp xúc nhiều cây cối), trồng một số loại cây có công dụng đuổi muỗi (bạc hà, húng quế, oải hương…) và đậy kín nắp thùng rác tránh muỗi trú ẩn,…
Nguồn: Tổ T2G – Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện thành phố Thủ Đức