Nước súc miệng là gì? Bạn đã sử dụng nước súc miệng đúng cách chưa?

Nước súc miệng được các nha sĩ khuyên dùng trong việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Không chỉ bảo vệ răng, nướu, lưỡi, nước súc miệng còn giúp bạn có hơi thở luôn thơm mát, tự tin trong mọi cuộc giao tiếp.
VẬY NƯỚC SÚC MIỆNG LÀ DUNG DỊCH GÌ?
Nước súc miệng là dung dịch được pha chế bao gồm chất sát khuẩn như: axít boric, kẽm sulfat, menthol, chlorhexidine… Khi ngậm dung dịch này súc trong miệng nhiều lần trước khi phun bỏ sẽ làm sạch khuẩn vùng miệng và khoang họng.
CÔNG DỤNG CỤ THỂ CỦA NƯỚC SÚC MIỆNG
Nó không chỉ có tác dụng như một dung dịch giúp khử mùi, mang lại hơi thở thơm mát mà còn giúp giảm thiểu tình trạng viêm nướu, sâu răng, vôi răng và mảng bám. Ngoài ra, nước súc miệng còn giúp duy trì hàm răng của bạn trắng sáng.
Hơn nữa nó có tác dụng trong các trường hợp bị các bệnh đường miệng như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản, nấm họng, nấm thanh quản, viêm quanh răng… Chứ không dùng thường xuyên chỉ để vệ sinh răng miệng.
CÁC SUY NGHĨ NHẦM LẪN KHI SỬ DỤNG NƯỚC SÚC MIỆNG:
Nhiều người thường xuyên sử dụng nước súc miệng sát khuẩn như thói quen hàng ngày, tuy nhiên chưa hiểu đúng về nước súc miệng
1/ Nước súc miệng có tẩy trắng răng không? Có chữa sâu răng không?
Câu trả lời là nước súc miệng có tác dụng diệt khuẩn, làm giảm mức độ vi khuẩn trong miệng, vì vậy nó có thể duy trì và bảo vệ được hàm răng trắng sáng và ngăn ngừa sâu răng nhưng không có tác dụng chữa sâu răng và tẩy trắng răng.
2/ Một ngày có thể súc miệng bao nhiều lần?
Nhiều người nhầm tưởng rằng, có thể dùng nước súc miệng nhiều lần trong 1 ngày.Tuy nhiên đó thực sự là một lầm lớn khi sử dụng nước súc miệng. Cách sử dụng nước súc miệng tốt nhất là sử dụng theo chỉ dẫn của Bác sỹ và theo hướng dẫn sử dụng của loại nước súc miệng đó.
3/ Sử dụng nước muối tự pha, pha càng mặn càng tốt?
Đây là trường hợp hay gặp nhất. Chúng ta cần hiểu rõ rằng nước súc miệng chứa muối NaCl: Nồng độ nước muối NaCl 0,9% gọi là nước muối sinh lý hay dung dịch muối đẳng trương được cho là thích hợp nhất để súc miệng. Quan niệm pha nước muối càng mặn càng tốt là sai lầm. Dung dịch muối đẳng trương mới không gây tổn thương đến các tế bào vùng miệng. Nếu chúng ta tự pha có thể không đúng nồng độ và mặn quá sẽ gây các tổn thương cho niêm mạc miệng.
CÁCH SỬ DỤNG NƯỚC SÚC MIỆNG VÀ NHỮNG LỜI KHUYÊN KHI SỬ DỤNG NƯỚC SÚC MIỆNG:
+ Dùng dung dịch súc miệng theo hướng dẫn sử dụng và không quá 2 – 3 lần/ ngày..
+ Không thể thay thế kem đánh răng bằng nước súc miệng.
+ Nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng.
+ Sau khi dùng nước súc miệng, bạn không nên ăn sau khoảng nửa giờ.
+ Không được nuốt nước súc miệng.
+ Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.
+ Khi sử dụng nước súc miệng, bạn cần kiểm tra hàm lượng cồn trước khi mua. Nếu chứa lượng cồn quá lớn (quá 6% -27%) thì đó có thể là nguyên nhân khiến cho bạn bị khô khoang miệng.
+ Nên sử dụng nước súc miệng loại có chứa flour, tuy nhiên bạn phải chú ý tới hàm lượng fluor trong nước phải thật phù hợp nếu dùng cho trẻ em.
Nước súc miệng không phải là vô hại. Vì vậy chúng ta nên sử dụng đúng cách!
Khoa Răng Hàm Mặt – Bệnh viện thành phố Thủ Đức được thành lập từ tháng 17/08/2009. Tới nay, khoa có: 01 khu điều nội trú, 02 khu điều trị ngoại trú và 02 phòng khám Răng Hàm Mặt với 33 nhân sự được đào tạo chuyên sâu, ứng dụng những công nghệ hiện đại để thực hiện chức năng khám, điều trị và dự phòng các bệnh lý về răng miệng và hàm mặt. Phổ biến đó là: Trám răng, Điều trị tủy răng, Phẫu thuật nhổ răng khôn lệch, ngầm, Phòng ngừa sâu răng sớm bằng liệu pháp fluor, Chỉnh hình răng mặt (niềng răng), Phục hình răng cố định (răng kim loại, răng sứ, mặt dán sứ…), Phục hình răng tháo lắp (toàn hàm, bán hàm, hàm tháo lắp có mắc cài…), Tẩy trắng răng,…
Người bệnh cần tư vấn chi tiết về các dịch vụ của khoa vui lòng liên hệ số điện thoại: 02822297145
Bác sĩ Dương Võ Ngọc Ánh – Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện thành phố Thủ Đức