- Tổng quan
Ngày viêm gan thế giới được tổ chức thường niên vào ngày 28/7 hằng năm, nhằm mục đích nâng cao nhận thức về bệnh viêm gan siêu vi, gồm nhiều tác nhân virus viêm gan A, B, C, D và E có thể gây ra nhiễm trùng gan cấp tính và mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
- Thực trạng – tình hình
Viêm gan siêu vi là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng gây tổn thương gan và ung thư gan. Trong số 5 chủng virus viêm gan, B và C là phổ biến nhất. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 96,8 triệu người đang sống chung với bệnh viêm gan B mãn tính và khoảng 8,3 triệu người đang sống chung với bệnh viêm gan C mãn tính, chiếm 1/3 gánh nặng toàn cầu về bệnh viêm gan B và C. Mặc dù đã có sẵn các biện pháp can thiệp hiệu quả và giá cả phải chăng nhưng có thể ngăn chặn các ca nhiễm trùng và tử vong mới, viêm gan siêu vi vẫn là nguyên nhân gây tử vong dai dẳng trong Khu vực, với ước tính khoảng 561.000 ca tử vong do viêm gan B và C mỗi năm.
Chỉ 1 trong 4 người mắc bệnh viêm gan B được chẩn đoán và chỉ 1 trong 5 người được điều trị thích hợp. Tương tự, chỉ có 1 trong 2 người mắc bệnh viêm gan C được chẩn đoán và chỉ có 1 trong 6 người được chữa khỏi.
Khu vực Tây Thái Bình Dương đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát bệnh viêm gan B thông qua các chương trình tiêm chủng quốc gia. Vào năm 2023, 80% trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B kịp thời và 93% đã hoàn thành lịch tiêm chủng 3 liều để bảo vệ lâu dài. Khu vực đã đạt được mục tiêu năm 2020 là giảm tỷ lệ kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) xuống dưới 1% ở trẻ nhỏ và đang trên đà đạt được các mục tiêu trong tương lai là 0,5% vào năm 2025 và 0,1% vào năm 2030.
Đặc biệt để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, ngày 06/05/2022 Cục Y tế dự phòng đã ban hành công văn số 2480/BYT-DP về việc giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em gửi các cơ sở y tế trên cả nước về việc tăng cường giám sát, phân tích dịch tễ, lấy mẫu và xét nghiệm, kịp thời triển khai các biện pháp phòng dịch, tổng hợp tình hình các trường hợp ca bệnh nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em, báo cáo ngay những trường hợp ca bệnh nghi ngờ, đề xuất các biện pháp phòng chống sự lan truyền của bệnh tại Việt Nam nhằm hạn chế tối đa số trẻ mắc bệnh và tử vong, nội dung cụ thể là:
Chiến lược: tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân, đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Chỉ đạo tăng cường triển khai bao phủ vắc xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng.
Ngoài ra, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện tốt các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan vi rút.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan vi rút theo Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2021- 2025.
Tổ chức các hoạt động cao điểm hưởng ứng Ngày Phòng, chống viêm gan thế giới 28-7 hằng năm và đưa hoạt động này thành hoạt động thường niên của địa phương.