Ngày 13/8, Bệnh viện thành phố Thủ Đức tiếp nhận một trường hợp ca bệnh đặc biệt, bệnh nhân Vi Quang P. (sinh năm 1957) nhập viện trong tình trạng ho ra máu lượng trung bình – nhiều kèm khó thở và đau vùng bụng. Trước đó, bệnh nhân khám đã được chẩn đoán mắc U gan 1 tháng và được điều trị bằng đặc trị sorafenib 800mg/ngày.
Bệnh nhân được tiếp nhận tại Khoa Cấp cứu trong trạng thái còn tỉnh, có khả năng tiếp xúc, khó thở Mạch 126l/p Huyết áp: 160/90 mmHg, nhịp thở: 26l/p Sp02: 90% canula 5l/p.
Sau khi tiến hành chụp CT ngực – bụng có cản quang, kết quả ghi nhận KHỐI U GAN (P) LỚN XÂM LẤN HOÀNH VÀ ĐÁY PHỔI (P), CÓ DẤU HIỆU VỠ GÂY XUẤT HUYẾT NỘI KÈM DÒ VÀO ĐÁY PHỔI (P). Sau quá trình hội chẩn kết hợp với các Khoa Nội tổng hợp, Khoa Ngoại tổng hợp, Khoa Ung bướu và Đơn vị can thiệp mạch máu ngoại biên, bệnh nhân được chỉ định chụp mạch tạng và phế quản để kiểm tra sâu hơn.
Qua quá trình chụp số hoá xoá nền xác định khối u gan (P) vỡ có dấu chảy máu hoạt động, ekip nhanh chóng tiến hành nút mạch cầm máu khối u, đồng thời đánh giá các mạch máu phế quản.
Sau can thiệp thành công, bệnh nhân được theo dõi điều trị tại Khoa Ung bướu với tình hình khả quan sau vài ngày: ho tần suất ít, không còn ho ra máu, tiên lượng ổn định. Sau 1 tuần, bệnh nhân được chỉ định tiếp tục dùng thuốc điều trị đặc hiệu u gan và theo dõi sau xuất viện vào ngày 19/8.
BSCKI. Nguyễn Thanh Long – Trưởng Đơn vị can thiệp mạch máu ngoại biên (Khoa Chẩn đoán hình ảnh) chia sẻ: “Đây là một trường hợp hiếm gặp! Bệnh nhân u gan thường nhập viện vì các ly do thường gặp như suy gan, sốc mất máu do u vỡ gây xuất huyết nội trong ổ bụng,… Nhưng riêng trường hợp này, bệnh nhân bị khối u xâm lấn vào đáy phổi kèm vỡ gây dò vào phế quản phổi (P), là trường hợp đầu tiên Bệnh viện TP Thủ Đức tiếp nhận. Với các bệnh nhân u gan giai đoạn tiến triển, đặc biệt là các khối u có kích thước lớn, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào (đau bụng, đau ngực, lơ mơ,…) nên lập tức đến thăm khám và theo dõi, điều trị tại bệnh viện”.