Hưởng ứng ngày đột quỵ thế giới năm 2024 “ĐỘT QUỴ: “Thời gian là não””

Ngày đột quỵ thế giới được tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) lấy là ngày 29/10 hàng năm và bắt đầu tổ chức thường niên vào năm 2006 hằng năm nhằm nâng cao nhận thức và hành động về đột quỵ trên toàn cầu.
Đột quỵ là gì? Đột quỵ (stroke) hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là một bệnh lý cấp tính nguy hiểm xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Điều này dẫn đến não bị thiếu oxy, không đủ các chất dinh dưỡng gây hậu quả là các tế bào não bắt đầu chết đi. Do đó, đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm và cấp tính đòi hỏi phải xử trí cấp cứu càng sớm càng tốt. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể làm giảm tổn thương não và các biến chứng khác. Đột quỵ gồm 2 nhóm chính
  • Đột quỵ thiếu máu cục bộ (Nhồi máu não)
  • Đột quỵ do vỡ mạch máu não (Xuất huyết não)
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới đột quỵ?
  • Lối sống: Thừa cân hoặc béo phì, không hoạt động thể chất, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, và các chất gây nghiện
  • Các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, bệnh tim mạch, (suy tim, dị tật tim, nhiễm trùng tim hoặc nhịp tim không đều, chẳng hạn như rung nhĩ), hội chứng ngưng thở khi ngủ
Dấu hiệu nhận biết? Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì quy tắc nhận biết sớm đột quỵ được viết tắc bằng chữ “FAST” có nghĩa là nhanh (phản ứng tức thời), đồng thời là chữ viết tắt của Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
  • Khuôn mặt: Dấu hiệu dễ nhìn thấy là mặt bệnh nhân bị méo. Nếu nghi ngờ hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể rõ hơn.
  • Tay: Tay bị liệt, cũng có thể có diễn tiến từ từ như tê một bên tay, vẫn điều khiển được tay nhưng kém chính xác. Ngoài tay còn có một số dấu hiệu ở chân như nhấc chân không lên, đi rớt dép,….
  • Lời nói: Rõ nhất là một số người đột quỵ bị “á khẩu” hay nói đớ.
  • Thời gian: Đưa bệnh nhân bệnh viện khám ngay khi ghi nhận những dấu hiệu vừa kể.
Hiện nay đột quỵ đang có “xu hướng trẻ hóa” do lối sống thiếu khoa học. Chính vì vậy cần để giảm nguy cơ đột quỵ cần phải:
  • Cải thiện lối sống: chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục, đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Tránh sử dụng các chất kích thích, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá
  • Kiểm soát tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ: béo phì, rối loạn nhịp tim, hội chứng ngưng thở khi ngủ, Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Rối loạn mỡ máu có thể làm tăng nguy cơ bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Nếu bạn mắc một hoặc nhiều tình trạng này, điều rất quan trọng là bạn phải làm những gì có thể để kiểm soát chúng, đặc biệt là bằng cách dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm phát hiện các vấn đề sức khỏe — đặc biệt là những vấn đề góp phần gây ra đột quỵ để kiểm soát chúng trước khi quá trễ.
Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Nội Thần kinh với đội ngũ các bác sĩ được đào tạo bài bản và trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho nhu cầu chẩn đoán và điều trị đột quỵ não cấp tính bao gồm tiêu huyết khối tĩnh mạch trong cửa sổ 4.5 giờ đầu và can thiệp mạch máu não lấy huyết khối đối với những bệnh nhân có tắc mạch máu lớn. Bằng sự nỗ lực không ngừng, hiện tại Đơn vị đã đạt được nhiều thành tựu trong đó có chứng nhận Bạch Kim về điều trị Đột quỵ của Hội Đột Quỵ Thế giới trong nhiều năm liên tiếp.
Nhân dịp này, nhằm tăng mức độ nhận thức và tạo điều kiện để bệnh nhân có thể nhận diện và cấp cứu đột quỵ kịp thời, mỗi bệnh nhân khám tại phòng khám Nội thần kinh trong ngày 29/10, khoa xin gửi tặng một món quà nho nhỏ dành cho bệnh nhân là chiếc móc khóa có thông tin về đột quỵ và SĐT Cấp cứu đột quỵ.
– Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Khoa Nội Thần Kinh – Bệnh viện Thành phố Thủ Đức –