Thận ứ nước – Những điều cần biết

Hậu quả của tắc nghẽn đường tiết niệu làm cho đài thận rồi bể thận và có thể cả niệu quản giãn dần ra dẫn đến kích thước thận to lên so với bình thường gọi là hiện tượng thận ứ nước. Tùy theo nguyên nhân thận có thể ứ nước một bên hoặc cả hai bên, tùy theo thời gian và tiến triển của bệnh mà biểu hiện lâm sàng có thể là cấp tính hoặc mạn tính.
  • Thận ứ nước cấp tính: Thận có thể bị tổn thương nhưng có khả năng phục hồi hoàn toàn trong vài ngày nếu giải quyết tốt nguyên nhân.
  • Thận ứ nước mạn tính: Tình trạng này kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và có thể kèm theo những triệu chứng nghiêm trọng.chức năng thận có thể bị suy giảm và không có khả năng hồi phục, thậm chí có thể dẫn đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối.
  • Thận ứ nước độ 1 : Giãn nở đài thận, không teo nhu mô.
  • Thận ứ nước độ 2: Giãn nở khung chậu nhẹ và đài thận. Không theo nhu mô.
  • Thận ứ nước độ 3 : Bể thận và đài thận giãn nở. Làm cùn các vòm, phẳng các nhú và có mỏng vỏ não nhẹ.
  • Thận ứ nước độ 4: Xương chậu và đài thận giãn nở, mất ranh giới và teo thận.
NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân dẫn đến thận ứ nước do những cản trở cơ học từ bên trong hoặc bên ngoài cũng như những tổn thương chức năng đơn thuần không liên quan đến sự tắc nghẽn cố định trong hệ thống dẫn niệu.
  • Ở trẻ em các dị tật bẩm sinh chiếm ưu thế bao gồm hẹp khúc nối bể thận niệu quản, niệu quản sau tĩnh mạch chủ, van niệu đạo sau .
  • Ở người lớn, tắc nghẽn đường tiểu chủ yếu do các nguyên nhân mắc phải:
    • Sỏi thận và sỏi niệu quản là nguyên nhân hay gặp, ngoài ra là các nguyên nhân như hẹp niệu quản, u niệu quản, cục máu đông.
    • Nguyên nhân do chấn thương niệu quản trong phẫu thuật ở vùng chậu hoặc đại tràng
    • Nguyên nhân do các khối u bên ngoài chèn ép vào niệu quản như ung thư cổ tử cung hay đại tràng, u lympho sau phúc mạc, viêm nhiễm quanh niệu quản.
    • Xơ hóa sau phúc mạc chưa rõ nguyên nhân cũng thường gặp ở nam tuổi trung niên và có thể dẫn đến tắc nghẽn niệu quản 2 bên.
TRIỆU CHỨNG CỦA THẬN Ứ NƯỚC:
Biểu hiện lâm sàng thận ứ nước: tùy thuộc vào sự tắc nghẽn là cấp tính hay mạn tính, tắc một bên hay hai bên, vị trí tắc thấp hay cao, có nhiễm khuẩn kết hợp hay chỉ ứ nước đơn thuần. Nhiều trường hợp bệnh tiến triển âm thầm chỉ tình cờ phát hiện khi siêu âm hay khám sức khỏe định kì, hoặc bệnh nhân đi khám vì nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận.
  • Triệu chứng hay gặp nhất là đau mỏi, tức hông lưng do đài bể thận, bao thận bị căng giãn. Đau thường khởi phát khu trú ở vùng mạng sườn hay hông lưng rồi lan xuống, ra sau. Có thể đau 2 bên do tắc nghẽn cả 2 bên và đau tăng lên khi có nhiễm trùng.
  • Sốt rét run từng đợt chỉ xuất hiện khi có nhiễm khuẩn.
  • Bệnh nhân có thể bị rối loạn tiểu tiện: tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, tiểu đục nếu có nhiễm khuẩn.
  • Thận to là dấu hiệu thường gặp, do giãn đài bể thận làm thận to lên có thể phát hiện được khi bác sỹ thăm khám khoặc vô tình sờ thấy một khối ở vùng hông lưng.
  • Thay đổi số lượng nước tiểu: Lượng nước tiểu có thể tăng > 2 lít/ ngày do rối loạn chức năng cô đặc nước tiểu, hoặc có khi bệnh nhân bị thiểu niệu, vô niệu do tắc nghẽn niệu quản hoàn toàn cả hai bên.
  • Tăng huyết áp: Khoảng 1/3 bệnh nhân có biểu hiện tăng huyết áp khi thận bị ứ nước, huyết áp chỉ tăng nhẹ hoặc trung bình do thận tăng tiết renin hoặc có thể do giữ muối giữ nước.
  • Trong trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện của suy giảm chức năng thận nặng và không hồi phục thì có thể có phù, da xanh, niêm mạc nhợt biểu hiện một tình trạng thiếu máu
CÁC XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN:
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nhiễm trùng đường tiểu.
  • Siêu âm: Trong thận ứ nước siêu âm cho phép đánh giá kích thước thận, độ dầy của nhu mô, mức độ ứ nước thận, tình trạng dịch ứ đục hay đồng nhất, phát hiện được một số nguyên nhân tắc nghẽn như sỏi, khối u đường tiết niệu hay bên ngoài chèn ép vào, các dị dạng bẩm sinh ở đường tiết niệu.
  • Chụp X-quang bụng không sửa soạn (KUB): có thể thấy được bóng thận to, sỏi cản quang ở thận, niệu quản, bàng quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (Computerized Tomogaphy Scan – CT Scan) : Đặc biệt chính xác trong chẩn đoán ứ nước thận – niệu quản về vị trí giãn, độ dầy của thành niệu quản, vị trí, kích thước sỏi, dấu hiệu của tắc nghẽn có thể được đánh giá mà không cần thuốc cản quang. Chụp CT Scan cho phép chẩn đoán các bệnh lý khác như khối u sau phúc mạc, khối u vùng tiểu khung, xơ hóa sau phúc mạc, hạch di căn, ung thư…
Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm. Nếu bạn có những triệu chứng nêu trên, hãy đến cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và tư vấn với bác sĩ. Điều này giúp xác định mức độ thận ứ nước – nhẹ, trung bình hay nặng, và từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bệnh Viện thành phố Thủ Đức là một địa chỉ đáng tin cậy với các bác sĩ chuyên khoa sâu về bệnh lý thận, niệu khoa – nam khoa để bệnh nhân có thể tìm đến khám và điều trị.