Dịch bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại TP. HCM, đặc biệt tại khu vực Thành phố Thủ Đức với số ca mắc tăng đột biến trong những tuần gần đây. Các chuyên gia y tế đang đặc biệt quan ngại về tình trạng nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, làm gia tăng nguy cơ biến chứng nặng.
Số ca mắc tăng nhanh, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, BS CKII Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa – Trưởng khoa Nhi chia sẻ: “Từ đầu tháng 11 đến hiện tại, khoa đã tiếp nhận 276 ca mắc sởi, trong đó có 129 số bệnh nhân phải nhập viện do có biến chứng. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp này đều là trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.”
Theo ghi nhận của đội ngũ y tế, nhóm trẻ từ 1-5 tuổi chiếm tới 70% tổng số ca mắc. Gần đây nhóm trẻ độ tuổi dưới 9 tháng cũng bắt đầu gia tăng. “Có những trường hợp trẻ được đưa đến viện trong tình trạng sốt cao co giật, khó thở, thậm chí đã có biến chứng viêm phổi nặng”, bác sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa cho biết thêm.
“Kẻ giết người thầm lặng” với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sởi không chỉ đơn thuần là bệnh phát ban ở trẻ em như nhiều người vẫn lầm tưởng. Qua theo dõi các ca bệnh, các bác sĩ nhận thấy virus sởi có thể gây ra chuỗi phản ứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi.
BS CKII Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa giải thích: “Bệnh sởi phát triển qua nhiều giai đoạn với các dấu hiệu đặc trưng. Ban đầu, trẻ sẽ sốt cao, ho khan, chảy nước mũi và đỏ mắt. Sau 3-4 ngày, các nốt ban đỏ sẽ xuất hiện, lan từ mặt xuống toàn thân. Điều đáng lo ngại là các biến chứng có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.”
Các biến chứng thường gặp và nguy hiểm nhất bao gồm: Viêm phổi nặng, dẫn đến suy hô hấp. Viêm não, có thể gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Tiêu chảy cấp và suy dinh dưỡng nặng.
Vaccine – “Lá chắn” quan trọng trong phòng bệnh.
“Tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất”, BS Quỳnh Hoa – Bệnh viện thành phố Thủ Đức nhấn mạnh. “Trẻ cần được tiêm đủ 2 mũi vaccine: mũi đầu lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi 18 tháng tuổi. Việc bỏ lỡ hoặc trì hoãn tiêm chủng có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao.”
Tuy nhiên hiện tại, với tình hình dịch hiện nay tại TP. HCM, HCDC đã có hướng dẫn về việc tiêm mũi bổ sung cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tháng (Mũi bổ sung này được gọi là Mũi Sởi 0). Sau khi chích mũi bổ sung này, vẫn phải tiếp tục tiêm cho trẻ theo lịch tiêm chủng mỡ rộng: Mũi 1 tiêm khi trẻ đủ 9 tháng; Mũi 2 tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Ngoài ra, phụ huynh cần chú ý các biện pháp phòng ngừa khác như: Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ. Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ. Tránh để trẻ tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh.
Cảnh báo từ chuyên gia.
BS CKII Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa – Bệnh viện thành phố Thủ Đức cảnh báo: “Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao, ho, chảy nước mũi kèm phát ban, phụ huynh tuyệt đối không được chủ quan tự điều trị tại nhà. Việc chậm trễ trong thăm khám và điều trị có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.”
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã tăng cường công tác sàng lọc, phân luồng bệnh nhân và mở rộng khu vực điều trị cho bệnh nhi mắc sởi. Đồng thời, bệnh viện cũng phối hợp với các trạm y tế địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.