Chiều ngày 28/03/2025, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Vai trò thuốc dãn phế quản trong điều trị đợt cấp hen – COPD”. Chương trình có sự tham gia của TS.BS. Trần Nguyễn Ái Thanh – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng hơn 100 y bác sĩ và nhân viên y tế đang công tác tại bệnh viện.
Phát biểu khai mạc, TS.BS. Trần Nguyễn Ái Thanh nhấn mạnh mục tiêu của hội thảo nhằm giúp các y bác sĩ cập nhật kiến thức và nâng cao chuyên môn về điều trị bệnh đợt cấp hen, đồng thời củng cố kiến thức về sử dụng thuốc dãn phế quản – loại thuốc quan trọng có tác dụng làm giãn và mở đường dẫn khí trong phổi.
Theo số liệu của WHO năm 2021, tại Việt Nam, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3, chỉ sau đột quỵ và thiếu máu cục bộ, với khoảng 36 nghìn ca tử vong. Trên toàn cầu, COPD đứng hàng thứ 9 trong các nguyên nhân gây tử vong, chiếm hơn 3% tổng số ca.
Tại hội thảo, BSCKI. Nông Thị Ngọc Lan – Khoa Nội tổng hợp đã trình bày chuyên đề “Vai trò của LAMA trong kiểm soát đợt cấp COPD”. Báo cáo cho thấy hơn 77% bệnh nhân COPD có ít nhất một đợt cấp mức độ trung bình – nặng trong vòng 3 năm, trong khi gần 80% các đợt cấp không được báo cáo hoặc ghi nhận. Bác sĩ cũng giới thiệu hai nhóm thuốc chính trong điều trị là LAMA (thuốc kháng Cholinergic) và LABA (thuốc đồng vận Beta 2 adrenergic) tác dụng kéo dài, trong đó việc phối hợp LABA/LAMA cho hiệu quả tốt hơn điều trị đơn lẻ.
BSCKI. Bùi Thị Yến Thương – Khoa Nhi đã trình bày chuyên đề “Xử lý cơn hen cấp ở trẻ em và quản lý các bệnh đồng mắc”. Bác sĩ cho biết bệnh hen được định nghĩa là tình trạng viêm mạn tính đường dẫn khí, kèm theo các biểu hiện tăng đáp ứng và tắc nghẽn không cố định ở đường thở. Để chẩn đoán bệnh hen ở trẻ em, các bác sĩ cần dựa vào nhiều yếu tố như: triệu chứng khò khè, ho tái đi tái lại, hội chứng tắc nghẽn đường thở, khả năng đáp ứng với thuốc giãn phế quản và tiền sử dị ứng của bệnh nhi. Bác sĩ Yến Thương nhấn mạnh, trong điều trị cơn hen cấp, mục tiêu quan trọng hàng đầu là cải thiện tình trạng thiếu oxy và ứ đọng CO2, khôi phục tình trạng tắc nghẽn đường thở, đồng thời có biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
Phần thảo luận của hội thảo diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi chuyên môn từ các y bác sĩ về phác đồ điều trị, cách phối hợp thuốc và xử trí các tình huống lâm sàng. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giải đáp chi tiết các vướng mắc trong chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là các ca bệnh phức tạp có nhiều bệnh lý đi kèm.
Hội thảo là hoạt động chuyên môn quan trọng của Bệnh viện thành phố Thủ Đức trong năm 2025, thể hiện sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng điều trị các bệnh lý hô hấp, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng cao trong cộng đồng.