Bệnh viện TP Thủ Đức khuyến cáo chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đang là mối quan tâm hàng đầu của người dân TP. HCM khi số ca mắc liên tục tăng cao. Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), tổng số ca mắc từ đầu năm 2025 đến nay đã lên đến 4.551 ca, tập trung chủ yếu tại huyện Cần Giờ, quận 7 và Thành phố Thủ Đức. Đáng lo ngại, chỉ trong tuần từ 28/02 đến 06/03/2025 đã ghi nhận 310 ca mắc mới. Mặc dù giảm 30,1% so với trung bình 4 tuần trước, tình hình dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt đối với trẻ em – nhóm có khả năng mắc bệnh và diễn tiến nặng cao nhất.

Tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, bác sĩ Hà Thị Thu Hương – Khoa Nhi cho biết: “Từ đầu năm đến giữa tháng 3/2025 đã ghi nhận 286 ca mắc, tăng hơn so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó có 69 ca phải nhập viện điều trị, chiếm 24,12%. Với diễn biến thời tiết sắp bước vào mùa mưa, các chuyên gia dự báo số ca nhiễm sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.”

Qua theo dõi và điều trị, bác sĩ nhận thấy bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc cao nhất ở nhóm trẻ từ 6 tuổi trở lên, chiếm gần 70%. Trẻ dưới 6 tháng tuổi có tỷ lệ mắc thấp hơn do còn kháng thể từ mẹ. Bệnh thường diễn tiến qua hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu trong 3 ngày đầu tiên, trẻ sẽ sốt cao đột ngột, liên tục và khó hạ, kèm theo các triệu chứng như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp và đau hốc mắt, có thể xuất hiện phát ban. Sang giai đoạn nguy hiểm từ ngày 3-7, trẻ có thể xuất hiện đau bụng vùng gan, nôn ói, vật vã hoặc li bì, xuất hiện chấm xuất huyết và chảy máu mũi miệng.

Bác sĩ Hương cảnh báo: “Các biến chứng nguy hiểm thường gặp bao gồm sốc, tràn dịch màng bụng/màng phổi gây suy hô hấp, xuất huyết (da niêm, nội tạng) và suy các tạng như gan, thận, tim cùng rối loạn tri giác. Phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay như: trẻ vẫn khó chịu dù đã hết sốt, không ăn uống được, nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội, tay chân lạnh ẩm, mệt lả bứt rứt, xuất hiện chảy máu, tiểu ít trên 6 giờ hoặc có dấu hiệu thay đổi hành vi.”

Về chăm sóc tại nhà, bác sĩ Hương khuyến cáo: “Chỉ sử dụng Paracetamol để hạ sốt khi nhiệt độ từ 38.5°C trở lên, với liều 10-15mg/kg/lần, cách 4-6 giờ. Tuyệt đối không dùng Aspirin hay Ibuprofen. Việc bù nước và điện giải rất quan trọng, cần cho trẻ uống nhiều nước, nước trái cây và dung dịch điện giải. Về dinh dưỡng, nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và chia nhỏ bữa ăn, tránh các thực phẩm màu đỏ hoặc nâu để dễ phát hiện xuất huyết tiêu hóa.”

Để phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cộng đồng. Các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng bao gồm diệt muỗi và lăng quăng thường xuyên, dọn dẹp môi trường sạch sẽ, phun hóa chất diệt muỗi định kỳ. Về biện pháp cá nhân, gia đình cần cho trẻ ngủ màn, mặc quần áo dài tay, sử dụng thuốc chống muỗi và đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo.

Hiện nay, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đang tích cực triển khai nhiều giải pháp như tăng cường giường bệnh, đảm bảo đầy đủ thuốc men và trang thiết bị, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ nhân viên y tế và đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ý thức phòng bệnh của người dân sẽ góp phần kiểm soát hiệu quả dịch sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và cộng đồng.