Báo động những hành vi tiêu cực vì trầm cảm ở giới trẻ !

Gần đây, hai vụ nhảy lầu tự tử ở Vạn Hạnh Mall (Quận 10) đã liên tiếp diễn ra chỉ vỏn vẹn không đến một tháng! Các vụ việc xảy ra vào đêm ngày 17/3 và 09/4 và nạn nhân đều đã tử vong sau khi chọn gieo mình từ lầu 7 xuống sảnh trung tâm.

Cái nhón chân trong phút yếu lòng của em học sinh 15 tuổi – lứa tuổi hứa hẹn cho tương lai, và người đàn ông 32 tuổi trong giai đoạn “chín” của cuộc đời đã chấm dứt cuộc sống và gây sự lo lắng, đáng báo động trong cộng đồng, khi những áp lực vô hình hình thành, tích tụ và khiến con người chọn cách cực đoan nhất để giải tỏa.

NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?

Mặc dù chưa có kết luận chính thức từ vụ tự tử cuả người đàn ông 32 tuổi nhưng đều xuất phát từ hành vi cá nhân, không do tác động bên ngoài nào. Ở trường hợp của em học sinh, cơ quan chức năng ghi nhận một mẫu giấy có nội dung “Cuộc sống đã mất đi ý nghĩa của nó. Không sống vì ai cả, không làm điều này cho bất kỳ ai. Thế này là quá đủ rồi, làm điều này vì sự tự do của bản thân”.

TRẦM CẢM CÓ ĐÁNG SỢ

Không chỉ dừng lại ở những vụ việc gây rúng động gần đây, theo thống kê mỗi năm gần 40.000 trường hợp chọn tự tử vì trầm cảm. Tuy nhiên, số bệnh lý trầm cảm vẫn chưa được phát hiện hết hoàn toàn, mà vẫn ngấm ngầm ở những người “không có biểu hiện” hoặc không đi khám để phát hiện.

Trầm cảm và một số bệnh lý liên quan rất đa dạng, nhìn chung đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc và hành vi của bệnh nhân. Áp lực công việc và nỗi lo cuộc sống ngày càng tăng và đối tượng trầm cảm ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác dẫn đến trầm cảm phải kể đến như sử dụng chất kích thích, ảnh hưởng từ mạng xã hội, thiếu kỹ năng xử lý căng thẳng và chế độ ăn uống, sinh hoạt bất hợp lý.

CÓ DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NÀO KHÔNG?

Biểu hiện dễ thấy của người trẻ mắc bệnh trầm cảm được thể hiện về mặt cảm xúc như buồn bã, chán nản, vô vọng kéo dài, mất hứng thú với các hoạt động ưa thích, dễ nổi cáu, luôn có cảm giác lo lắng, bất an và tự ti. Ở mức độ nặng có biểu hiện tuyệt vọng, làm hại bản thân và tự tử. Trầm cảm không gây đau đớn ngay lập tức để ta phát hiện mà nó âm ỉ trong tâm hồn người bệnh, giam lỏng ý chí của họ rồi từ từ nhen nhóm những hành động gây tổn thương cho cơ thể.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐIỀU TRỊ

Trầm cảm có thể điều trị được bằng cả phương pháp hóa dược và điều trị tâm lý. Đa số người trẻ đều chủ quan với những biểu hiện của bệnh trầm cảm, tự cho rằng, có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực mà không cần đến sự trợ giúp, bỏ qua hoặc che giấu những bất thường đó khiến cho việc chẩn đoán và điều trị gặp khó khăn. Lâu dần hình thành những hành vi tiêu cực và gây hại cho chính bản thân, ảnh hưởng dến gia đình và xã hội.

Khuyến cáo từ chuyên gia: Đột nhiên bình tĩnh và vui vẻ sau khi bị trầm uất nặng nề cũng có thể là dấu hiệu cho biết, ai đó đã quyết định tìm đến cái chết. Nếu bạn hay người thân đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, hãy tới ngay chuyên khoa để thăm khám và có biện pháp can thiệp chữa trị kịp thời.

#benhvienthanhphothuduc