HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI XOÁ BỎ BẠO LỰC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI

Ngày 25/11 hàng năm đã được Liên hợp quốc lấy làm ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Đây được coi là ngày lễ kỷ niệm mang tính quốc tế để tưởng nhớ 16 nạn nhân của bạo lực đã chết trong vụ ám sát năm 1960 tại Cộng hòa Đôminíc. Là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước CEDAW, trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực thực hiện cam kết quốc gia bằng nhiều biện pháp đảm bảo quyền bình đẳng nam nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Một trong những biện pháp quan trọng mà Việt Nam áp dụng để hoàn thành trách nhiệm của một quốc gia thành viên CEDAW, đó là việc xây dựng chính sách, thiết lập và thực thi những quy định của pháp luật để nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ so với nam giới.

Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 (bổ sung, sửa đổi năm 2022) là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em là đối tượng yếu thế dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 cũng là dịp đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; vận động toàn dân chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, xâm hại tình dục, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho những người làm công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

Mục đích tổ chức các hoạt động tuyên truyền là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và cộng đồng hiểu biết các vấn đề cơ bản và ý nghĩa việc phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình; tiếp tục tuyên truyền thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép tuyên truyền các chức năng gia đình vào các tiêu chí gia đình văn hóa, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy các giá trị truyền thống gia đình, xây dựng và củng cố gia đình văn hóa ở khu dân cư gắn kết trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan, giúp cộng đồng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.