Cách phòng bệnh kết mạc cấp trong thời điểm giao mùa

Thời điểm giao mùa luôn là khoảng thời gian nhạy cảm đối với sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về mắt. 

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Huy – Bệnh viện thành phố Thủ Đức, bệnh viêm kết mạc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là do virus, vi khuẩn và phản ứng dị ứng. Đối với viêm kết mạc virus, quá trình bệnh diễn ra khi virus xâm nhập và phá hủy tế bào, kèm theo phản ứng viêm của hệ miễn dịch. Trong khi đó, viêm kết mạc vi khuẩn thường xuất hiện khi vi khuẩn thâm nhập qua các vết trầy xước nhỏ hoặc khi hệ thống bảo vệ của mắt suy yếu, biểu hiện đặc trưng là ghèn sệt màu xanh hoặc vàng.

Đáng chú ý, vào thời điểm giao mùa Đông – Xuân, số ca viêm kết mạc dị ứng thường tăng đột biến. Bác sĩ Quang Huy giải thích: “Thời điểm này, không khí chứa nhiều phấn hoa, cộng với thời tiết lạnh và ít gió khiến bụi mịn và các tác nhân gây dị ứng lắng đọng nhiều hơn. Điều này làm gia tăng nguy cơ viêm kết mạc dị ứng ở người có cơ địa mẫn cảm.”

Điều đáng lo ngại là nhiều người có thói quen tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc nhỏ mắt tự mua, đặc biệt là thuốc có chứa corticosteroid mà không hay biết. Bác sĩ Quang Huy cảnh báo: “Chúng tôi đã ghi nhận nhiều trường hợp biến chứng tăng nhãn áp thứ phát do lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa steroid vì tính chất dễ chịu và giảm nhanh các triệu chứng khó chịu mà steroid mang lại. Nếu tình trạng này kéo dài, nhãn áp tăng một cách âm thầm và có thể dẫn đến glaucoma, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn có thể xảy ra.”

Về thời gian điều trị, mỗi loại viêm kết mạc có diễn tiến khác nhau. Viêm kết mạc virus thường tự khỏi sau 7-10 ngày, trong khi viêm kết mạc dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng tùy từng cá thể và sự tiếp xúc với dị nguyên. Riêng với viêm kết mạc vi khuẩn, thời gian điều trị phụ thuộc vào đáp ứng với kháng sinh.

Để phòng ngừa hiệu quả, bác sĩ Quang Huy khuyến cáo người dân nên đeo kính bảo hộ khi ra đường, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng và giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ đặc biệt là gấu bông, chăn mền, và vệ sinh mắt. Đặc biệt, khi có các triệu chứng như đỏ mắt, đau mắt, chảy nước mắt, cộm xốn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị phù hợp, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra do tự điều trị hoặc tự chẩn đoán vì có nhiều bệnh nặng của mắt có những triệu chứng tương tự nhau.

Đối với trẻ em, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có thể mắc bệnh nhiều lần hơn so với người lớn, việc tiếp xúc và tạo ra kháng thể để luyện tập cho hệ miễn dịch là một trong những bước cần thiết cho sự phát triển của hệ miễn dịch ngày một hoàn thiện, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm và theo dõi kỹ khi trẻ có các dấu hiệu bất thường ở mắt. “Điều quan trọng nhất là không được chủ quan và tự ý điều trị tại nhà“, bác sĩ Quang Huy nhấn mạnh.