Bệnh viện TP Thủ Đức: Bệnh tay chân miệng ở trẻ em – cảnh báo và khuyến cáo từ chuyên gia

Theo thống kê từ Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2025, đã ghi nhận 132 lượt khám và 7 ca nhập viện về bệnh tay chân miệng, cho thấy tình hình diễn biến đáng quan ngại.

Bác sĩ Phạm Hoàng Anh Khoa – Khoa Nhi, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: “Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh do vi rút đường ruột nhóm Coxsackieviruses và Enterovirus 71 (EV71) gây ra, có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng.”

Về đường lây truyền, vi rút gây bệnh có thể lây qua nhiều con đường như tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, nốt phỏng vỡ, hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng nhiễm vi rút và đường tiêu hóa. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp bao gồm viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi phát hiện trẻ có triệu chứng bệnh, bác sĩ Khoa khuyến cáo phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà bằng các biện pháp dân gian. Trẻ cần được nghỉ học và cách ly 7-10 ngày để tránh lây lan.

“Về chế độ dinh dưỡng, trẻ cần được đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là đạm từ cá, trứng, sữa và vitamin từ rau củ màu vàng đỏ, rau xanh đậm. Nên chia nhỏ bữa ăn, chọn thức ăn mềm, dễ nuốt và bổ sung đủ nước, điện giải. Tránh thức ăn cay nóng, mặn hoặc cứng,” bác sĩ Khoa chia sẻ.

Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy các biện pháp phòng ngừa đóng vai trò quan trọng. Bác sĩ Khoa nhấn mạnh một số điểm cần lưu ý như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vệ sinh môi trường và đồ dùng sạch sẽ, ăn chín uống sôi, tránh cho trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi vào miệng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Sau khi khỏi bệnh, trẻ cần được chăm sóc đặc biệt trong ít nhất 2 tuần. Cần bổ sung dinh dưỡng nhiều hơn, đặc biệt là vitamin A, C và kẽm để tăng cường sức đề kháng. Phụ huynh cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.

“Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của bệnh trong cộng đồng. Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, phụ huynh cần thông báo ngay cho nhà trường để có biện pháp phòng ngừa phù hợp,” bác sĩ Khoa kết luận.