Theo thống kê mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần 10 (từ 28/02 đến 06/03/2025), TP. HCM ghi nhận 310 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Mặc dù số ca giảm 30,1% so với trung bình 4 tuần trước, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay đã lên đến 4.551 ca, gây lo ngại trong cộng đồng. Đặc biệt, các địa bàn có tỷ lệ mắc cao trên 100.000 dân là huyện Cần Giờ, Quận 7 và TP. Thủ Đức.
BSCKI. Ngụy Như Ngọc Chiêu – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: “Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng điển hình như sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đau đầu dữ dội, đau nhức cơ khớp và cảm giác mệt mỏi rõ rệt. Đặc biệt, giai đoạn nguy hiểm thường xuất hiện vào ngày thứ 3-7 của bệnh, khi bệnh nhân có thể chuyển biến nặng một cách nhanh chóng.”
Người dân cần đặc biệt chú ý các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như: đau bụng nhiều và liên tục, tăng cảm giác đau vùng dưới sườn phải, nôn ói liên tục, xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết như chảy máu chân răng hoặc xuất huyết dưới da, tiêu phân đen, tiêu ra máu, ra huyết âm đạo… Ngoài ra, các biểu hiện như lừ đừ, vật vã, tay chân lạnh hay khó thở cũng là những dấu hiệu cần được theo dõi sát sao.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp: xây dựng và cập nhật phác đồ điều trị theo hướng dẫn mới nhất, tăng cường năng lực chẩn đoán sớm, duy trì hoạt động 24/7 của khoa cấp cứu truyền nhiễm và đảm bảo đầy đủ thuốc cùng trang thiết bị điều trị.
Để chủ động phòng ngừa, người dân cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “3 KHÔNG”. Thứ nhất, không cho muỗi đốt bằng cách sử dụng mùng màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay khi ra ngoài và sử dụng các biện pháp chống muỗi phù hợp. Thứ hai, không cho muỗi đẻ bằng việc đậy kín các dụng cụ chứa nước, thường xuyên thay nước trong bình hoa, chậu cảnh. Thứ ba, không cho muỗi ở bằng cách dọn dẹp môi trường sạch sẽ và đảm bảo cống rãnh thông thoáng.
Về vấn đề tiêm phòng, hiện nay Bộ Y tế Việt Nam đã cấp phép hai loại vắc xin: Dengvaxia và QDENGA. Vắc xin Dengvaxia được tiêm 3 liều cách nhau 6 tháng, dành cho người từ 9-45 tuổi hoặc 9-60 tuổi tùy quy định. Do yêu cầu sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin, loại vắc-xin này hiện không được sử dụng rộng rãi. Trong khi đó, vắc xin QDENGA có thể tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên, với hiệu lực phòng bệnh trên 80% và ngăn chặn trên 90% nguy cơ mắc bệnh nặng.
Đặc biệt lưu ý, những người đã từng mắc sốt xuất huyết vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Bác sĩ Ngọc Chiêu giải thích: “Virus Dengue có 4 type khác nhau, kháng thể tự nhiên chỉ bảo vệ được với type đã gây bệnh, trong khi miễn dịch chéo với các type khác không bền vững và nhanh chóng mất đi.”
Phòng chống sốt xuất huyết không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người dân và cả cộng đồng. Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh, mỗi gia đình cần dành thời gian thường xuyên kiểm tra, phát hiện và loại bỏ các ổ lăng quăng trong nhà cũng như khu vực xung quanh. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Chỉ khi mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội cùng chung tay, đồng lòng thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, chúng ta mới có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.