Ung thư trực tràng là một trong 3 bệnh lý ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Điều trị ung thư trực tràng là điều trị đa mô thức, trong đó phẫu thuật có vai trò quyết định. Hiện nay, Khoa Ngoại tổng hợp – Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã triển khai kỹ thuật Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn (Transanal Total Mesorectal Excision- TaTME), đây là phương pháp thực hiện phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ trực tràng có hỗ trợ từ dưới lên trong điều trị ung thư trực tràng cực thấp, bảo tồn hậu môn, lấy bệnh phẩm qua ngã tự nhiên.
Khó khăn lớn nhất trong phẫu thuật ung thư trực tràng là đảm bảo cắt triệt để khối u đồng thời bảo tồn được cơ thắt hậu môn, tránh cho bệnh nhân khỏi phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Rất khó khăn để đạt được cả 2 mục tiêu này trong trường hợp khối u trực tràng nằm ở 1/3 dưới (khoảng cách từ bờ dưới khối u tới mép hậu môn ≤ 5cm). Để thu được một đường cắt không còn tế bào ung thư, khoảng cách tối thiểu của đường cắt dưới tới bờ dưới khối u phải đạt ít nhất là 2cm. Với các kỹ thuật thông thường bằng phẫu thuật nội soi hay mổ mở đường bụng, để đạt được khoảng cách này, phẫu thuật viên rất khó có thể bảo tồn được cơ thắt hậu môn, thực hiện được miệng nối trực tràng cực thấp trong một khoang chậu chật hẹp.
Để góp phần giải quyết khó khăn đó, một phương pháp phẫu thuật mới ra đời có tên: Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ mạc treo trực tràng qua đường hậu môn (Transanal Total Mesorectal Excision – TaTME). Phương pháp đang được tập trung nghiên cứu ứng dụng tại một vài trung tâm phẫu thuật hậu môn trực tràng lớn trên thế giới. Bằng con đường tiếp cận từ dưới lên qua ống hậu môn, phương pháp cho phép xác định chính xác khoảng an toàn từ bờ dưới khối u tới đường cắt dưới, đảm bảo cắt bỏ toàn bộ mạc treo trực tràng, đồng thời tăng cường khả năng bảo tồn cơ thắt tới tận đường lược bằng miệng nối gian cơ thắt giữa đại tràng với ống hậu môn, giảm thiểu thấp nhất khả năng bệnh nhân phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Với kỹ thuật này bệnh nhân ung thư trực tràng gần như không còn phải mang hậu môn nhân tạo, không phải để lại sẹo trên bụng, hạn chế đau vết mổ và dính ruột sau mổ.
Đây là một bước tiến mới trong phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng, góp phần kéo dài thời gian sống đồng thời nâng cao chất lượng sống cho người bệnh do hạn chế thấp nhất khả năng bệnh nhân ung thư trực tràng phải mang hậu môn nhân tạo vĩnh viễn. Đến nay, tỷ lệ tai biến biến chứng sau phẫu thuật điều trị ung thư trực tràng thấp, tỷ lệ bảo tồn được cơ thắt cao giúp bệnh nhân có thể đại tiện bình thường.
Để được chẩn đoán sớm, tầm soát ung thư, điều trị triệt để bệnh lý trực tràng, người bệnh nên được nội soi đại trực tràng và làm các xét nghiệm định kỳ.
Bs. Mai Hóa – Trưởng khoa Ngoại tổng hợp