“Ăn gì bổ nấy” là nếp nghĩ đã lâu đời của đa số người Việt chúng ta. Với quan niệm như thế rất nhiều người tìm ăn tiết canh với hy vọng là được “bổ máu”, cường dương, sung sức…Nhưng khoa học phân tích, giải thích ra sao về việc ăn tiết canh này?
Tiết canh là thực phẩm sống, nên mang rất nhiều mầm bệnh từ ký sinh trùng như giun sán đến vi trùng và cả siêu vi trùng nguy hiểm. Bệnh sán dây lợn bắt đầu khi trứng sán dây lợn vào ruột nở thành ấu trùng. Ấu trùng sán theo hệ bạch mạch tìm đến ký sinh ở bắp cơ và cơ quan khác tạo thành nang sán (cysticercus cellulosae). Lợn có mắc ấu trùng sán được gọi là lợn gạo. Nếu người ăn phải kén sán vào dạ dày, dịch vị giúp ấu trùng thoát khỏi vỏ kén để phát triển thành sán trưởng thành.
Bệnh liên cầu lợn gây ra liên cầu streptococcus suis ở lợn lây lan sang người. Liên cầu lợn còn có ở lợn rừng, ngựa, bò, chó, mèo, chim chóc… Ở động vật streptococcus suis cư trú trong đường hô hấp trên, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục…và tồn tại rất lâu trong môi trường phân, nước, rác.
Bệnh nhiễm liên cầu lợn ghi nhận rải rác trong năm, bệnh nhân chủ yếu là nam giới ở độ tuổi trung niên thường mắc bệnh sau khi ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín, ăn tiết canh hoặc tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn qua các vết thương ở da, đường hô hấp… Nhiễm liên cầu lợn thường bị hoại tử lan rộng dẫn đến phù não, tử vong, nếu còn sống cũng bị di chứng nặng nề như ngớ ngẩn, động kinh, điếc…
– Ăn tiết canh chắc chắn là không bổ máu gì vì tất cả các hồng cầu tố đều bị thoái biến và thải ra ngoài cả. Như vậy về phương diện dinh dưỡng, quan niệm “ăn gì bổ nấy” là hoàn toàn không đúng trong trường hợp này.
– Tiết canh thật sự là “cháo máu sống” theo nguyên ngữ tiếng Hán, rất mất vệ sinh và là nguồn lây của vô số bệnh nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng chết người.
– Quá nhiều trường hợp tử vong hay tàn phế do ăn các tiết canh (vịt, lợn, dê, chó, dơi…), đủ cho chúng ta có nhận định đúng khi ăn uống.
—TS.BS Trần Bá Thoại—
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam