✨HỎI: Con em hiện tại 4 tháng tuổi. Đã hơn 1 tháng rồi bé không lên cân. Thưa bác sĩ em cần làm gì để bé phát triển tốt?
👉TRẢ LỜI: Chào bạn. Theo những mô tả của bạn thì chưa đầy đủ thông tin: số kg hiện tại của bé, bé hiện có bị bệnh gì không, bé có kén ăn không, do chế độ dinh dưỡng… Bạn nên đưa bé đi khám để tìm ra nguyên nhân tại sao bé không lên cân. Trước mắt bạn vẫn tiếp tục cho bé bú mẹ theo nhu cầu, nếu mẹ mất sữa hoặc thiếu sữa thì bổ sung sữa công thức theo tháng tuổi. Nếu không được bú no, bé sẽ hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, miệng mấp máy…Bên cạnh đó bạn cũng cần ăn uống đầy đủ, đủ 4 nhóm dinh dưỡng để đủ sữa cho con bú.
- ThS.BS. Lê Thuận Linh – Trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế
✨HỎI: Chào bác sĩ. Em vừa sinh em bé và bị ho từ trước khi sinh đến nay vẫn chưa khỏi. Bác sĩ cho em hỏi em có thể uống thuốc được không?
👉TRẢ LỜI: Bạn không nói rõ là bạn ho có đờm hay ho khan, có bị đau họng và rát cổ không, bạn có bị sổ mũi không…Bạn nên đi khám để tìm ra nguyên nhân để bác sĩ sẽ có hướng điều trị cụ thể và phù hợp. Trong thời gian cho con bú, người mẹ nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc. Trong trường hợp cần thiết để điều trị bệnh thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Vì vậy bạn nên đi khám sớm để điều trị dứt điểm, tránh ảnh hưởng tới việc cho con bú.
Bạn cũng không nên tự ý mua thuốc để uống vì có một số nhóm thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho có tác dụng phụ cần thận trọng hoặc chống chỉ định khi cho con bú.
- BSCKI. Nguyễn Vũ Quỳnh Hoa – Phó trưởng khoa Nhi
✨HỎI: Bố cháu năm nay 64 tuổi. Gần đây lúc ngủ bố cháu bị nóng chân và còn bị mờ mắt nữa. Bác sĩ cho em hỏi bố cháu có làm sao không ạ?
👉TRẢ LỜI: Chào bạn. Khi bố bạn xuất hiện đồng thời triệu chứng mờ mắt, nóng bàn chân lúc ngủ thì bạn cần đưa bố bạn đến bệnh viện khám và tầm soát một số bệnh như: đái tháo đường, huyết áp, xơ vữa động mạch,…Để xác định bệnh thì bác sĩ cần phải thăm khám và cho bố bạn làm 1 số xét nghiệm kiểm tra.
- ThS.BSCKII. Kim Phúc Thành – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp
✨HỎI: Chào bác sĩ. Em bị đau tai đã khỏi rồi nhưng giờ lại bị đau. Bác sĩ có thể tư vấn cho em được không ạ?
👉TRẢ LỜI: Theo như bạn nói em bị đau tai nhưng không nói nguyên nhân do chấn thương tai hay do viêm tai giữa. Tùy nguyên nhân gây đau tai mà việc điều trị có thể khỏi hẳn hoặc tái phát. Vì vậy bạn nên đi khám chuyên khoa tai mũi họng để tìm nguyên nhân và được bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.
- BSCKII. Dương Văn Tá – Trưởng khoa Tai Mũi Họng
✨HỎI: Con em 12 tháng tuổi. Hai hôm nay cháu hay bị ho, thở khò khè kèm chảy nước mũi trong. Tuy nhiên, cháu vẫn ăn uống bình thường. Bác sĩ cho em hỏi cháu bị gì?
👉TRẢ LỜI: Nguyên nhân thường gặp nhất khi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thở khò khè đó là do trẻ mắc các bệnh về hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên ( mũi, họng, VA, amidan) và đường hô hấp dưới ( khí quản, phế quản, phổi… ). Chị nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa nhi. Nếu bị viêm phế quản nhẹ bác sĩ sẽ kê đơn cho trẻ điều trị tại nhà. Nếu trẻ thở khò khè kèm nôn ói, sốt cao và khó thở thì chị cần đưa trẻ nhập viện. Trong thời gian này chị nên vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên giúp mũi trẻ thông thoáng, trẻ dễ thở hơn. Nhỏ khoảng 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mũi trẻ có thể giúp cải thiện tình hình này.
- BSCKII. Nguyễn Hà Phương – Khoa hồi sức tích cực Nhi – Sơ sinh
✨HỎI: Tôi bị cường giáp và sau khi xạ trị thì tôi có phải kiêng cử và bổ sung thực phẩm dinh dưỡng gì không để duy trì sức khoẻ và nhanh phục hồi?
👉TRẢ LỜI: Sau khi xạ trị thì người bệnh không cần kiêng khem quá mức, người bệnh cần chú ý không nên ăn cay nóng, không uống rượu và không hút thuốc. Bên cạnh đó bạn nên ăn chế độ ăn giàu dinh dưỡng, bữa ăn đủ 4 nhóm (đường, đạm, dầu mỡ, vitamin và khoáng chất). Trong thời gian này vị giác của người bệnh thường bị giảm một phần, dễ nôn ói. Do đó bạn nên ăn những thức ăn mình ưa thích mà giàu chất xơ giúp nhuận tràng tránh táo bón và uống nhiều nước. Bên cạnh đó bạn cần nghỉ ngơi và tập luyện thể dục phù hợp.
- BSCKII. Ngô Thế Phi – Trưởng khoa Nội tiết
✨HỎI: Bác sĩ có thể giải thích giúp tôi, bác sĩ nói mẹ tôi bị suy thận giai đoạn cuối – đái tháo đường – tiểu đạm, mẹ tôi vì sao đã chạy thận định kỳ mà bà vẫn còn khó thở?
👉TRẢ LỜI: Bệnh nhân bị suy thận mãn giai đoạn cuối nguyên nhân do bệnh thận và đái tháo đường, tiểu đạm lượng nhiều. Khó thở do rất nhiều nguyên nhân như suy tim, tràn dịch màng phổi, viêm phổi… Trường hợp tiểu đạm do đái tháo đường dẫn đến tình trạng giảm albumin máu nặng. Đây là một trong những nguyên nhân gây phù và tràn dịch đa màng do giảm áp lực keo, gây tràn dịch màng phổi làm cho bà khó thở. Việc chạy thận định kỳ giúp bệnh nhân lọc bớt các chất độc do thận đào thải và cũng lấy bớt nước nhưng vấn đề giảm albumin máu của bà vẫn còn nên bà vẫn có triệu chứng khó thở.
- BSCKI. Phạm Thị Ngọc Duy – Phó Trưởng khoa Nội thận – thận nhân tạo
✨HỎI: Ba tôi bị Suy tim nặng và đang điều trị tại khoa Hồi sức tim mạch. Bác sĩ cho tôi hỏi tình trạng của ba tôi có nặng không? Có phương pháp điều trị nào tối ưu nhất giúp ba tôi khỏi hẳn không bác sĩ?
👉TRẢ LỜI: Theo như hồ sơ bệnh án của bệnh nhân mà chúng tôi đang theo dõi thì ba anh bị suy tim giai đoạn nặng, triệu chứng nhiều và nguy cơ tử vong cao. Đây là hậu quả của nhiều nguyên nhân mà bệnh nhân mắc phải như: tăng huyết áp, bệnh mạch vành do xơ vữa, đái tháo đường. Tim suy nặng, siêu âm tim co bóp rất kém. Hiện tại bác sĩ đang điều chỉnh thuốc và tăng liều dần cho bệnh nhân và theo dõi đáp ứng điều trị. Trong điều trị suy tim dùng thuốc vẫn là cơ bản và quan trọng nhất bên cạnh chế độ ăn giảm muối theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu dùng thuốc tối đa và điều tri nguyên nhân mà bệnh nhân vẫn còn triệu chứng nhiều thì sẽ tính tới phương án dùng kỹ thuật cao như máy tái đồng bộ tim và dụng cụ hổ trợ thất trái, thậm chí là ghép tim…
- BSCKI. Lê Duy Lạc – Trưởng khoa Hồi sức tim mạch
✨HỎI: Bác sĩ ơi mắt phải em giật liên tiếp 4 ngày rồi, cho em hỏi là có vấn đề gì không ạ ?
👉TRẢ LỜI: Chào bạn. Như các triệu chứng bạn nói thì có thể bạn đang bị co giật mí mắt. Nguyên nhân là do sự co giật không tự ý của các cơ ở mi mắt, nhất là cơ nâng mi. Thông thường triệu chứng này không có hại gì vì các co thắt của cơ không gây tổn thương cho các cơ quan trong mắt, chủ yếu là do tình trạng kích thích quá độ của thần kinh và cơ thường thấy ở những người thần kinh dễ dao động, hoặc lúc mệt mỏi. Thường thì các cơ ở mắt rất nhạy cảm với tình trạng stress, lo lắng, mất ngủ. Đó cũng có thể là biểu hiện của trường hợp thiếu magnesium, do đó bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn cho mắt được thư giãn.
- BSCKII. Nguyễn Thị Minh Xuân – Trưởng khoa Mắt
✨HỎI: Bác sĩ cho em hỏi Bệnh viện có phẫu thuật u dạ dày không ạ?
👉TRẢ LỜI: Chào bạn! Hiện nay Bệnh viện thành phố Thủ Đức có phẫu thuật cắt u dạ dày. Có 2 trường hợp, nếu đó là khối u do polyb, bác sĩ sẽ cho chỉ định cắt khối u qua nội soi. Còn nếu là khối u do ung thư dạ dày thì bác sĩ sẽ cho chỉ định hở cắt khối u. Mời bạn đến bệnh viện khám, bác sĩ sẽ tư vấn chi tiết hơn về phẫu thuật u dạ dày.
- BSCKII. Mai Hóa – Trưởng khoa Ngoại Tổng Quát
✨HỎI: Em chuẩn bị mổ ở bệnh viện ung bướu quận Bình Thạnh nhưng BHYT em đăng kí tại bệnh viện thành phố Thủ Đức. Giờ me muốn xin giấy chuyển viện để được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế tại bệnh viện Ung bướu được không ạ? Nếu được thì thủ tục chuyển tuyến như thế nào ạ? Em xin chân thành cám ơn!
👉TRẢ LỜI: Chào bạn, trường hợp bạn có BHYT tại bệnh viện thành phố Thủ Đức nhưng bạn chuẩn bị mổ tại bệnh viện Ung bướu thì bạn sẽ không được hưởng quyền lợi BHYT nếu như bạn không có giấy chuyển tuyến của bệnh viện thành phố Thủ Đức. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện thành phố Thủ Đức khám để được các bác sĩ tư vấn, nếu trường hợp của bạn có đủ điều kiện để được chuyển tuyến trên theo quy định thì bệnh viện sẽ cấp giấy chuyển tuyến cho bạn.
- ThS.BSCKII. Kim Phúc Thành – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp