LÀM GÌ KHI ĐƯỜNG HUYẾT CAO ?

   Đường huyết cao là tình trạng đường glucose trong máu tăng vượt quá so với mức bình thường; đường huyết tăng gây tác động trực tiếp đến sức khỏe của người mắc chứng tiểu đường.
   Lượng đường máu tăng cao mãn tính là do sự rối loạn trong quá trình chuyển hóa glucose, kéo theo sự rối loạn chuyển hóa chất béo, chất đạm. Khi tình trạng rối loạn này diễn ra thường xuyên sẽ gây ra những biến chứng khác cho người bệnh tiểu đường như: gây xơ vữa mạch máu lớn, làm hẹp tắc các mạch máu nhỏ và làm hỏng toàn bộ hệ thống thần kinh. Từ đó kéo theo ra các biến chứng nguy hiểm khác. Khi đường huyết trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép, cơ thể sẽ có những triệu chứng sau:
  • Mắt nhìn kém hơn
  • Các vết thương, vết loét chậm lành
  • Tê bì tay chân, bứt rứt trong bắp thịt
  • Thường xuyên đi tiểu, nhất là tiểu đêm
  • Dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm, nấm ngứa
  • Da dễ bị sậm màu ở vùng nách, cổ, bẹn, khủy tay chân
  • Thường xuyên đau đầu, mệt mỏi không rõ nguyên nhân
  • Có cảm giác đói bụng và khát nước thường xuyên, thèm đồ ngọt
   Nếu đường huyết tăng cao đột ngột trên 10 mmol/l, bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu khi thấy các biểu hiện:
  • Đi tiểu liên tục
  • Mệt mỏi và kiệt sức
  • Nhìn mờ đột ngột
  • Khó thở, nhịp tim nhanh
  • Đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt
  • Vẫn thấy khát mặc dù uống nước liên tục
  • Da khô, khô miệng, hơi thở có mùi trái cây lên men
   Làm gì khi đường huyết tăng
   Khi đường huyết tăng cao đột ngột sau bữa ăn 1 giờ, chúng ta có thể hạ đường huyết cấp tốc bằng cách:
  1. Uống nhiều nước: sẽ giúp đường được đào thải ra ngoài qua đường tiểu. Nhưng cách này không áp dụng với người bệnh thận, cao huyết áp hoặc suy tim.
  2. Tiêm thêm 1 – 2 đơn vị insulin để giảm nhanh đường huyết. Tuy nhiên điều này chỉ thực hiện khi bạn đang được chỉ định tiêm insulin.
  3. Uống 1 cốc trà xanh hoặc 3 – 4 thìa bột quế có thể giúp bạn giảm đường huyết một cách tức thời.
  4. Vận động 15 – 20 phút nhằm tăng sử dụng glucose ở cơ bắp, từ đó giảm đường máu. Bạn cần lưu ý không tập luyện khi thấy choáng váng, chóng mặt, hoặc sốt.
   Các biện pháp này chỉ thực hiện khi đường huyết cao do thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, không áp dụng khi người bệnh quên không uống thuốc.
   Đồng thời, người bệnh cần lưu ý các biện pháp
  1. Tự theo dõi đường huyết và biết mức đường huyết cần đạt: Mức đường huyết an toàn ở mỗi người là không giống nhau. Vì vậy cách tốt nhất để phát hiện đường máu cao là kiểm tra thường xuyên bằng máy đo, tại 3 thời điểm: buổi sáng khi chưa ăn, sau ăn 2h và trước khi ngủ.
  2. Lựa chọn thực phẩm phù hợp: Tăng các loại rau có nhiều chất nhớt, giảm chất bột đường trong chế độ ăn để đường huyết ổn định.
  3. Tập thể dục thường xuyên: Các bài tập thể dục sẽ thúc đẩy cơ thể sử dụng đường máu hiệu quả hơn.
  4. Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng: Ngủ từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày kết hợp tập yoga hoặc thiền để giảm stress, căng thẳng, lo âu.
  5. Dùng thuốc điều trị đái tháo đường (uống, tiêm) đúng cách: đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị
   Kiểm soát tốt đường huyết, đưa đường huyết ra ngoài vùng nguy hiểm giúp bạn sống cân bằng, khỏe mạnh và giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.