DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TRẦM CẢM SAU SINH

? Tâm lý phụ nữ sau sinh bị ảnh hưởng, kết hợp nhiều yếu tố tác động gây nên chứng trầm cảm sau sinh. Nếu không được phát hiện và có phương pháp điều trị tâm lý đúng cách thì chứng trầm cảm sau sinh có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc và nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con.
? Lớp học tiền sản đã mang đến cho mẹ bầu những thông tin hữu ích liên quan đến chứng trầm cảm sau sinh, góp phần chăm sóc tốt sức khỏe cho mẹ và bé. Lớp học tiền sản tổ chức định kỳ hàng tuần, các mẹ bầu có nhu cầu tham gia lớp có thể liên hệ đăng ký tại Khoa Sản – Bệnh viện thành phố Thủ Đức, số điện thoại 032.6861.731.
1. Trần cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Họ thường có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, cáu gắt, buồn chán, lo lắng nhiều vấn đề trong đời sống.
Rối loạn này dễ gặp ở bất kỳ người mẹ nào, nhưng chiếm tỷ lệ cao nhất ở phụ nữ lần đầu sinh con và bệnh thường phát triển trong vòng 01 năm đầu sau sinh. Theo nhiều thống kê, có khoảng 10 – 20% phụ nữ sau khi sinh rơi vào rối loạn tâm lý, trầm cảm. Trong đó có 15% trường hợp xuất hiện trầm cảm trong 03 tháng đầu sau sinh, 15 – 25% xảy ra trong năm đầu sau sinh.
Trầm cảm có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể tự khỏi, nhưng cũng có nhiều trường hợp nặng không can thiệp điều trị kịp thời dẫn đến người mẹ mất tự chủ, xuất hiện hành động tự hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cách kết thúc sinh mệnh cả mẹ và con.
2. Triệu chứng trầm cảm sau sinh
• Cảm thấy chán nản hoặc tuyệt vọng, mất hứng thú với hoạt động
• Cảm thấy lãnh đạm và rút lui với gia đình, bạn bè
• Thay đổi thói quen ăn uống, ngủ nghỉ
• Cảm thấy mệt mỏi hầu hết các ngày
• Cảm thấy giận dữ và cáu kỉnh
• Cảm thấy tội lỗi, không xứng đáng, không có giá trị
• Thiếu tập trung và hay quên
• Hay kích động hoặc trở nên thờ ơ
• Thiếu quan tâm hoặc quan tâm quá mức tới con
• Lo sợ mình sẽ làm hại em bé
• Xuất hiện lo âu bất thường, ảo giác, suy nghĩ kỳ quái.
Các triệu chứng của trầm cảm sau sinh có thể bắt đầu từ những tuần đầu tiên sau sinh, thỉnh thoảng, triệu chứng của trầm cảm sau sinh có thể không xuất hiện cho đến nhiều tháng sau sinh.
3. Nguyên nhân
Có nhiều yếu tố dẫn đến trầm cảm sau sinh:
– Có tiền sử trầm cảm hoặc các bệnh tâm thần khác.
– Thay đổi hormone sau sinh.
– Khó khăn tài chính, thay đổi công việc, bệnh tật hoặc trải qua sự mất mát nào đó.
– Thay đổi về mối quan hệ xã hội, thiếu mạng lưới hỗ trợ vững chắc.
– Nuôi con có nhu cầu đặc biệt hoặc những trẻ đòi hỏi mức độ chăm sóc cao.
– Gia đình có tiền sử về các vấn đề sức khỏe tâm thần.
4. Can thiệp và chữa trị
– Tầm soát các rối loạn tâm lý ở sản phụ.
– Hỗ trợ thêm các kiến thức về nuôi con và dinh dưỡng.
– Chăm sóc toàn diện thể lý và tâm lý.
– Can thiệp: tâm lý + thuốc (lựa chọn thuốc không ảnh hưởng đến sữa).
5. Phòng ngừa
Trầm cảm sau sinh không phải là lỗi của bạn, đó là một tình trạng sức khỏe có thể điều trị được bằng cách chia sẻ cảm xúc của bạn với các chuyên gia, bạn có thể tìm được giải pháp. Tạo ra những thay đổi tích cực có tác động lớn đến hạnh phúc trọn vẹn của bạn.