Điện tim liên tục 24 giờ: Một phương tiện hữu ích trong chẩn đoán những bệnh lý tim mạch nguy hiểm tiềm ẩn

Hiện nay, theo thống kê tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch tiềm ẩn dẫn đến đột tử, đột quỵ cũng có xu hướng tăng nhanh và ngày càng trẻ hoá. Việc tầm soát và phát hiện sớm những bệnh lý trên sẽ góp phần giúp chẩn đoán và điều trị sớm nhằm giảm tỉ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong. Theo dõi điện tim liên tục 24 giờ (holter điện tâm đồ 24 giờ) là một trong những công cụ tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn.

Holter điện tâm đồ là một phương pháp ghi điện tâm đồ liên tục trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 24 giờ. Phương pháp này do một kỹ sư người Mỹ tên là Norman J.Holter phát minh ra vào năm 1949, cho nên còn gọi là ghi điện tâm đồ theo phương pháp Holter hoặc ghi Holter ECG. Máy cho phép ghi lại điện tâm đồ trong suốt thời gian đeo máy thông qua một số điện cực dán trên ngực người bệnh. Các dữ liệu sẽ được lưu lại trong bộ nhớ. Sau đó, kết quả sẽ được phân tích trên phần mềm chuyên dụng.

Ưu điểm của Holter ECG 24 giờ là gì?

Holter điện tâm đồ là kỹ thuật điện tim có nhiều ưu điểm:

– Kỹ thuật đơn giản, dễ áp dụng rộng rãi.

– Không đau, không xâm lấn.

– Không có chống chỉ định.

– Ít ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bệnh nhân.

– Có giá trị cao trong chẩn đoán nhiều bệnh tim tiềm ẩn mà có thể không phát hiện được bằng điện tim thông thường.

Khi nào thì nên sử dụng Holter ECG 24 giờ?Holter ECG được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán và đánh giá hiệu quả điều trị các bệnh lý tim mạch hiện nay. Đặc biệt rất có giá trị trong những trường hợp người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ do rối loạn nhịp tim gây nên như:

– Ngất, thoáng ngất, cơn chóng mặt không tìm thấy nguyên nhân.

– Cơn hồi hộp trống ngực, tim đập không đều.

– Cơn khó thở, đau ngực, mệt không rõ nguyên nhân.

Đo điện tâm đồ liên tục 24 giờ giúp phát hiện được các bệnh lý tim mạch như:

– Các rối loạn nhịp tim thoáng qua như ngoại tâm thu, các rối loạn nhịp nhanh (cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh thất…), hoặc các rối loạn nhịp chậm (ngưng xoang, block nhĩ thất…).

– Phát hiện các rối loạn nhịp tim không có triệu chứng ở những người bệnh bị nhồi máu cơ tim, suy tim, hay bệnh cơ tim phì đại nhằm đánh giá các nguy cơ tim mạch sau này.

– Góp phần chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

Ngoài ra, theo dõi điện tâm đồ liên tục giúp đánh giá các nguy cơ tim mạch ở một số người bệnh đặc biệt như:

– Suy tim (với EF< 40%) sau nhồi máu cơ tim.

– Suy tim do các nguyên nhân khác.

– Bệnh cơ tim phì đại.

– Đánh giá hiệu quả điều trị rối loạn nhịp tim.

Quy trình đo Holter ECG tại Khoa Hồi sức Tim mạch được thực hiện như thế nào?

   Holter điện tâm đồ 24 giờ đang được triển khai tại Khoa Hồi sức Tim mạch như là một phương tiện cận lâm sàng thường quy. Người bệnh khi có chỉ định cần theo dõi Holter ECG 24 giờ cần lưu ý một số thông tin:

   – Chuẩn bị trước khi đo Holter điện tâm đồ, người bệnh nên tắm rửa sạch sẽ trước khi đeo máy vì trong suốt thời gian đeo máy người bệnh không được tắm rửa. Nên mặc quần áo rộng rãi để thuận tiện cho việc đeo máy.

   – Trong khi đo Holter điện tâm đồ:

* Các bước tiến hành đo Holter điện tâm đồ diễn ra như sau:

+ Lau sạch vùng da dán điện cực.

+ Sử dụng băng dính dán các đầu điện cực vào da tại các vị trí khác nhau trên ngực. Điện cực sẽ được dán kỹ để tránh bong ra trong quá trình mang máy. Điện cực nối với các dây được gắn vào máy theo dõi.

+ Máy theo dõi kẹp vào cạp quần, bỏ vào túi áo hoặc đeo bằng một sợi dây qua vai.

+ Bệnh nhân luôn mang theo máy trong 24 giờ. Trong quá trình này, người bệnh vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường, không tập luyện gắng sức. Cần bảo quản máy, không để thiết bị dính nước hay va đập. Không sử dụng chăn điện, tránh tiếp xúc với nam châm, máy dò kim loại và các dòng điện lớn vì có thể ảnh hưởng đến kết quả.

+ Nếu có triệu chứng bất thường thì ghi nhớ thời điểm (nhịp tim nhanh, khó thở, tức ngực, choáng váng, chóng mặt…), và hoạt động đang làm khi bị triệu chứng.

+ Sau khi đeo máy đủ thời gian chỉ định, bệnh nhân quay lại cơ sở y tế theo lịch hẹn để tháo thiết bị.

+ Đợi trả kết quả trong 10 – 15 phút.

BS.Duy Hưng – BS. Thanh Tùng

Khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện TP Thủ Đức.