Tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng

Trước tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp với sự xuất hiện trở lại của biến chủng Enterovirus (EV71). Sáng ngày 14/7, Bệnh viện thành phố Thủ Đức tổ chức tập huấn nâng cao năng lực phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng cho đội ngũ bác sĩ Khoa Nhi, Cấp cứu, đơn vị Hồi sức Nhi, các phòng khám vệ tinh trực thuộc. Bệnh viện thành phố Thủ Đức đã và đang tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp bệnh tay chân miệng từ mức độ 1, 2, 3.

Tại buổi tập huấn, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Chủ nhiệm bộ môn Nhi – Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm – Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thông tin cập nhật các nội dung như: tình hình bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; việc chẩn đoán, điều trị người bệnh tay chân miệng thời gian đầu và nhận biết sớm các dấu hiệu nặng để xử trí hoặc chuyển viện kịp thời.

Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Ở một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Ngành Y tế vận động người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau:

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.

– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

– Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.

– Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.

Đăng Anh