Các bước làm giảm nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2 ở trẻ

Bệnh đái tháo đường ở trẻ em ngày càng gia tăng, đây là căn bệnh mạn tính, phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, nếu phụ huynh kịp thời can thiệp và kiểm soát thì trẻ có thể tránh được những biến chứng nguy hiểm của bệnh như thị giác, thần kinh, tim mạch…
ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ BỆNH GÌ?
– Đái tháo đường là tình trạng đường máu tăng cao: Đường máu lúc đói > 7 mmol/l và sau ăn trên 11 mmol/l.
– Đái tháo đường type 2 ngày càng phổ biến ở trẻ thanh thiếu niên. Nguyên nhân chính là do thừa cân hoặc béo phì, thường liên quan đến lối sống như vận động chưa đủ, ăn uống quá nhiều, ăn uống không lành mạnh (ăn quá nhiều chất béo, quá nhiều đường hay tinh bột). Những người có nguy cơ cao nhất là những người bị béo bụng và vùng quanh bụng.
CÓ THỂ CẢI THIỆN BẰNG CÁCH NÀO?
– Ngoài việc thực hiện các liệu pháp điều trị, đái tháo đường type 2 ở trẻ được các bác sĩ khuyến cáo là thay đổi lối sống lành mạnh hơn, bao gồm vận động nhiều hơn, tập luyện thường xuyên, chuyển sang chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng.
– Bên cạnh đó, cha mẹ của trẻ cần chú ý những điều dưới đây để giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường ở trẻ:
+ Cha mẹ cần cho trẻ ăn uống lành mạnh: Đảm bảo trẻ ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. Khuyến khích con bạn ăn thực phẩm ít béo, giàu chất dinh dưỡng – như ngũ cốc và bánh mì nguyên hạt, trái cây, rau, sản phẩm từ sữa và protein nạc – có thể giúp ngăn ngừa tăng cân quá mức, một yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh đái tháo đường type 2.
+ Trẻ cần hạn chế thức ăn và đồ uống có đường. Tiêu thụ nhiều thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường như nước ngọt, nước trái cây có đường… có thể dẫn đến tăng cân quá mức.
+ Cha mẹ cần khuyến khích cho trẻ các hoạt động thể chất. Duy trì hoạt động và hạn chế thời gian dành cho các hoạt động ít vận động – như xem ti vi, chơi điện tử hoặc trò chơi trên máy tính, có thể giúp giảm nguy cơ tăng cân và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh đái tháo đường type 2.
– Báo Sức khỏe & Đời sống –