3 ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ GAN

Ung thư gan là căn bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư thường gặp ở nước ta. Sự phát triển của các tế bào ung thư tại gan có thể phá hủy gan và gây tổn thương đến các cơ quan xung quanh.
1/ NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ GAN
Đa số các ca ung thư gan đều chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng. Nguyên nhân của ung thư gan có thể do các yếu tố sau:
– Do nhiễm virus viêm gan B: ở người nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 200 lần so với người không bị bệnh này. Ngoài ra có thể do viêm gan C lây nhiễm.
– Do uống quá nhiều rượu bia.
– Thực phẩm không an toàn tồn dư hóa chất, thực phẩm dự trữ trong các điều kiện nóng và ẩm chứa nấm Aspergillus flavus sinh ra độc tố Aflatoxin có thể là nguyên nhân gây ung thư gan.
– Do các bệnh lý tiểu đường và béo phì.
– Thuốc và hóa chất (Dioxin có trong chất độc màu da cam).
Ngoài ra ghi nhận còn cho thấy vấn đề di truyền (gen ứ sắt trong máu) và yếu tố môi trường có thể dẫn đến nguy cơ ung thư gan.
2/ DẤU HIỆU UNG THƯ GAN
Các triệu chứng bệnh ung thư gan giai đoạn đầu thường không rõ ràng, hầu như không có triệu chứng lâm sàng.
– Một số dấu hiệu để nhận biết sớm bệnh ung thư gan như:
– Chán ăn, mệt mỏi, đầy bụng chậm tiêu, sụt cân nhiều trong thời gian ngắn
– Vàng da, vàng mắt
– Hay đau ở vùng dưới bờ sườn bên phải
– Táo bón hoặc tiêu chảy
– Đau vùng vai phải…
Khi bệnh tiến triển u gan to thì có thể sờ thấy gan to dưới bờ sườn phải, mũi ức.
3/ UNG THƯ GAN CÓ NGĂN NGỪA ĐƯỢC KHÔNG?
Có nhiều cách ngăn ngừa ung thư gan, chủ yếu theo các phương pháp:
– Cần có chế độ dinh dưỡng khoa học: Ăn nhiều rau quả và trái cây (các loại rau lá xanh, cà rốt, khoai tây và trái cây họ cam quýt), sử dụng chế phẩm từ sữa, uống trà (đặc biệt lá trà tươi), không chọn thức ăn bị mốc (đặc biệt là đậu nành, lạc, khoai lang, mía, dầu đậu phộng). Nói “không” với thực phẩm chứa lượng muối cao, hạn chế đồ ăn giàu protein, hạn chế tối đa rượu, bia để hạn chế ung thư gan.
– Duy trì thói quen sống lành mạnh: Chú ý nghỉ ngơi phù hợp, vận động ngoài trời với cường độ phù hợp, biết cách kiểm soát cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan.
– Tiêm vaccine phòng viêm gan B: Có thể giảm nguy cơ viêm gan B cho cả người lớn và trẻ em. Việc tiêm vaccine có thể bảo vệ nhiều năm và thậm chí có thể là suốt đời. Đồng thời điều trị và theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân có bệnh lý gan (như viêm gan siêu vi B, C, viêm gan do rượu, do thoái hóa mỡ).
– Kiểm soát nguy cơ viêm gan siêu vi C: Bệnh viêm gan C hiện chưa có vaccine phòng ngừa. Bản thân mỗi người cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình khỏi nhiễm bệnh bằng cách tránh các con đường lây truyền của bệnh, kiểm tra sức khỏe và tầm soát bệnh định kỳ.
– Báo Sức khỏe và Đời sống –