Có rất nhiều nguyên nhân làm ảnh hưởng tới việc dùng thuốc trong ngày tết ở người bệnh mạn tính. Nếu không tuân thủ nghiêm ngặt, có thể làm cho bệnh không được kiểm soát, dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm…
1. Việc không tuân thủ được biểu hiện:
• Uống thuốc không đúng thời điểm như mọi ngày,
• Quên uống thuốc,
• Tự ý tăng hoặc giảm liều lượng,
• Thậm chí là ngừng điều trị (không uống thuốc nữa)…
Việc tuân thủ điều trị không chỉ bao gồm việc bệnh nhân tuân thủ thuốc mà còn với chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc thay đổi lối sống. Trong ngày lễ tết, người bệnh có thể bê trễ việc tập thể dục, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng ‘điều trị’ bệnh như trước đó…Việc không tuân thủ có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị và các hậu quả trực tiếp về mặt lâm sàng. Không tuân thủ có liên quan trực tiếp đến kết quả điều trị kém ở bệnh nhân đái tháo đường, AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải), hen suyễn, lao, tăng huyết áp và cấy ghép nội tạng…
2. Khi có đơn thuốc, người bệnh cần:
• Dùng đúng liều bác sĩ kê đơn, uống đều đặn, hàng ngày; nên uống thuốc vào một giờ cố định trong ngày và tuân thủ khoảng cách dùng thuốc… để nồng độ thuốc luôn ổn định trong máu giúp kiểm soát bệnh.
• Liều dùng và loại thuốc đã được bác sĩ cân nhắc sử dụng trên từng người bệnh cụ thể. Do đó, người bệnh không tự ý thêm, bớt liều dùng hay đổi thuốc… sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
• Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc, nắm được các tác dụng phụ, những lưu ý khi dùng và cách uống thuốc đúng.
• Trong quá trình sử dụng thuốc, cần theo dõi các bất lợi có thể xảy ra do thuốc, thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
• Cần chú ý đến nước dùng để uống thuốc. Trong hầu hết trường hợp thuốc nên được uống với đun sôi để nguội.
3. Phòng tránh tương tác bất lợi của thuốc với thực phẩm, đồ uống ngày tết
Một số loại thực phẩm, đồ uống và thuốc có thể tương tác, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ có hại. Vì vậy, khi bắt đầu một đơn thuốc mới để điều trị bệnh hoặc tình trạng liên quan, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ về các tương tác thực phẩm và đồ uống có thể xảy ra này. Tuy nhiên trong ngày tết cần lưu ý với một số thức ăn, đồ uống sau đây:- Rượu: Không kết hợp cùng với các thuốc giảm đau paracetamol; thuốc chống trầm cảm; thuốc chống lo âu; thuốc chống viêm không steroid; prednisone hoặc methotrexate… (dùng trong điều trị các bệnh về khớp).
Lý do: Rượu có thể làm tăng nguy hiểm tác dụng an thần của một số loại thuốc, tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa khi dùng chung với NSAID và prednisone, dẫn đến tổn thương gan khi kết hợp với acetaminophen hoặc methotrexate.
– Bưởi và nước ép bưởi: Không dùng chung với cyclosporine (một loại thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh -DMARD); colchicine (một loại thuốc chữa bệnh gút); amitriptyline (thuốc chống trầm cảm); thuốc giảm cholesterol (statin).
Lý do: Bưởi được chứng minh là có thể làm tăng nồng độ các loại thuốc này trong máu, gây khó khăn cho việc kiểm soát liều lượng và có thể dẫn đến nồng độ thuốc nguy hiểm trong cơ thể.
– Sản phẩm từ sữa: Không dùng chung với bisphosphonates, bao gồm alendronate, risedronate và ibandronate… dùng trị loãng xương.
Lý do: Canxi có thể cản trở sự hấp thụ của những loại thuốc này và làm cho chúng kém hiệu quả hơn.
– Đồ uống và thực phẩm có caffeine: Không dùng cùng với prednisone (một thuốc chống viêm hay dùng cho người bệnh khớp, hen…).
Lý do: Prednisone ức chế chuyển hóa caffein, có thể làm tăng nồng độ caffein và ảnh hưởng của caffein, bao gồm mất ngủ, bồn chồn và có thể tăng các cơn gút.
– Phô mai già, rượu vang đỏ và thực phẩm lên men: Không kết hợp với thuốc chống trầm cảm (ức chế MAOI) bao gồm isocarboxazid, tranylcypromine, và phenelzine…
Lý do: Các thuốc này ức chế khả năng cơ thể phân hủy một chất hóa học gọi là tyramine trong thực phẩm. Ăn thực phẩm lên men (chứa nhiều tyramine) có thể dẫn đến lượng hóa chất cao, làm mạch máu bị thu hẹp, dẫn đến tăng huyết áp.
– Chuối, rau lá xanh, cam, thực phẩm thay thế muối: Không nên dùng cùng một số thuốc trị tăng huyết áp, suy tim (captopril, enalapril, lisinopril; thuốc lợi tiểu như triamterene.
Lý do: Những thực phẩm này đều chứa nhiều kali. Dùng chúng cùng với các loại thuốc này có thể làm tăng lượng kali trong cơ thể, dẫn đến nhịp tim không đều hoặc tim đập nhanh, nguy hiểm.
– Bông cải xanh, cải Brussels, bắp cải, cải xoăn, rau bina: Không dùng cùng thuốc làm loãng máu như warfarin (coumadin).
Lý do: Các thực phẩm này có chứa nhiều vitamin K, có thể làm giảm khả năng làm loãng máu của thuốc. Ở một số người bị bệnh tim, có thể gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ. Khi bạn bắt đầu dùng warfarin, hãy duy trì một chế độ ăn uống phù hợp và không đột ngột nạp quá nhiều rau xanh.
– Y học thường thức –