Khoa học về hạnh phúc – Kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội và không chỉ bao gồm tình trạng không có bệnh hay thương tật”. Do đó có thể thấy được tầm quan trọng của một đời sống tinh thần khỏe mạnh, bao gồm cả nhận hạnh phúc.
Hạnh phúc là một trong những mục tiêu cốt lõi của con người, được nghiên cứu rộng rãi trong tâm lý học, xã hội học, và y học. Seligman (2002) đề xuất rằng hạnh phúc không chỉ là niềm vui thoáng qua mà còn là sự thỏa mãn với cuộc sống và cảm giác đạt được tiềm năng cá nhân thông qua việc thực hiện các hoạt động mang lại ý nghĩa.Nghiên cứu của Lyubomirsky và King (2005) chỉ ra rằng hạnh phúc không chỉ mang lại cảm giác tốt mà còn có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe, bao gồm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng cuộc sống. Hạnh phúc giúp giảm stress, tăng cường hệ miễn dịch và khả năng phục hồi trước áp lực.
Theo Diener và Suh (1997), các yếu tố ảnh hưởng đến hạnh phúc bao gồm mối quan hệ tích cực, thành tựu cá nhân, sức khỏe tốt, và điều kiện sống ổn định. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc tham gia vào các hoạt động mang lại ý nghĩa và mục đích có thể tăng cường cảm giác hạnh phúc. Hạnh phúc được nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa là trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc của niềm vui, thỏa mãn, và ý nghĩa trong cuộc sống.
Các nhà khoa học tâm lý đã đề xuất các chiến lược gia tăng hạnh phúc như sau:
  1. Luyện Tập Lòng Biết Ơn: Hãy dành thời gian mỗi ngày để suy nghĩ và ghi chép về ba điều bạn cảm thấy biết ơn. Điều này có thể giúp tăng cường cảm giác tích cực và giảm stress.
  2. Tối Ưu Hóa Mối Quan Hệ: Dành thời gian và năng lượng để xây dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Các mối quan hệ sâu sắc có thể cung cấp sự hỗ trợ và tình yêu, là những yếu tố quan trọng của hạnh phúc.
  3. Tập Trung Vào Hiện Tại (Chánh Niệm): Thực hành thiền chánh niệm hàng ngày, tập trung vào hơi thở và cảm nhận của cơ thể mà không phán xét, giúp tạo ra một trạng thái tinh thần yên bình và hạnh phúc.
  4. Đặt Mục Tiêu Và Theo Đuổi Sự Ý Nghĩa: Xác định mục tiêu cá nhân có ý nghĩa và phấn đấu để đạt được chúng. Sự cống hiến cho một mục tiêu lớn hơn bản thân có thể tạo ra một cảm giác thỏa mãn sâu sắc và hạnh phúc.
  5. Tăng Cường Hoạt Động Thể Chất: Đưa tập thể dục thành một phần của lịch trình hàng ngày. Hoạt động thể chất không chỉ cải thiện sức khỏe thể chất mà còn giải phóng endorphin, góp phần vào cảm giác hạnh phúc.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh phúc trong đời sống chúng ta, Liên Hợp Quốc công bố Ngày Quốc tế Hạnh phúc được là ngày 20 tháng 3 hàng năm. Đây là một sáng kiến được đề xuất bởi Vương quốc Bhutan, quốc gia đặt mức độ hạnh phúc của công dân lên hàng đầu trong chính sách quốc gia của mình, thay vì chỉ tập trung vào GDP. Mục tiêu của Ngày Quốc tế Hạnh phúc là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của hạnh phúc và sự thoả mãn trong cuộc sống con người như những mục tiêu toàn cầu và mong muốn các quốc gia trên thế giới hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống của công dân, bên cạnh việc phát triển kinh tế. Ngày này được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận và bắt đầu kỷ niệm từ năm 2013.
Ngày Quốc Tế Hạnh Phúc không chỉ là một dấu mốc để nhớ; đó là một lời nhắc nhở về giá trị của niềm vui, sự quan tâm và tình thương mà chúng ta có thể mang lại cho nhau mỗi ngày. Cùng Bệnh viện Thủ Đức mỉm cười và chào đón mỗi ngày mới với tình yêu thương và hạnh phúc nhé!
Trong ngày đặc biệt này, Bệnh viện Thủ Đức muốn gửi đến mỗi bạn một lời chúc: Hãy luôn tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Đừng quên rằng chúng tôi luôn ở đây, sẵn lòng đồng hành và hỗ trợ bạn trên con đường chăm sóc sức khỏe và tìm kiếm hạnh phúc.

Bài viết được tham khảo và biên soạn bởi Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh Vũ – Khoa Tâm Thể Bệnh viện thành phố Thủ Đức.