Những điều quan trọng cần biết về bệnh dại

1/ BỆNH DẠI NGUY HIỂM RA SAO
a) Bệnh dại là gì?
Bệnh dại là bệnh gây ra bởi vi rút dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua dịch tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc cấy ghép mô/cơ quan bị nhiễm vi-rút dại.
b) Vì sao bệnh dại nguy hiểm?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh dại là nguyên nhân gây khoảng hơn 70 ca tử vong ở Việt Nam mỗi năm, hầu hết các trường hợp bệnh dại ở Việt Nam do chó dại cắn. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều có tỷ lệ tử vong gần như là 100%.
c) Đường lây truyền của bệnh dại
– Chủ yếu qua tuyến nước bọt của động vật truyền qua bằng vết cắn, vết trầy xước; khi động vật bị dại liếm vào vết thương hở hoặc lớp niêm mạc miệng, mũi của người.
– Những người giết mổ chuyên nghiệp: Khi xử lý các phần não hoặc các bộ phận bị nhiễm vi rút khác.
– Một số đường lây truyền khác: từ người sang người qua cấy ghép giác mạc hoặc các nội tạng khác nhưng trường hợp này khá hiếm.
d) Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người ra sao?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi-rút dại phát triển từ lớp trong cùng của mô dưới da hoặc từ cơ bắp tiến vào các dây thần kinh ngoại biên (là các dây thần kinh nằm ngoài não hoặc tủy sống). Vi rút di chuyển dọc theo các dây thần kinh tới tủy sống và não bộ với tốc độ ước tính khoảng 12-24 mm mỗi ngày.
Người bị nhiễm bệnh có những thay đổi hành vi và có những biểu hiện lâm sàng khi vi rút bắt đầu xâm nhập vào não bộ. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài tháng, và có thể dài tới 1 năm. Có hai thể bệnh lâm sàng của bệnh dại là thể điên cuồng và thể dại câm (bại liệt), trong đó thể điên cuồng là phổ biến nhất.
2/ PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI NHƯ THẾ NÀO?
a) Một số phương pháp
– Người nuôi chó mèo phải có trách nhiệm tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo hàng năm
– Không nên thả rông chó ngoài đường hay dắt chó ra ngoài mà không đeo rọ mõm và có dây xích kể cả khi chúng đã được tiêm phòng.
– Khi bị chó cắn, xử lý vết thương kịp thời bằng cách rửa bằng xà phòng, sau đó dùng nước muối rửa sạch lại và sát trùng bằng cồn, i ốt. Nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và tiêm ngừa.
b) Mất bao lâu để khởi phát bệnh dại trên chó, mèo
– Thời gian ủ bệnh có thể từ 1 ngày đến vài tháng và c/hết sau từ 1 đến 7 ngày khi khởi phát bệnh.
– Biểu hiện của động vật khi mắc bệnh dại: Cắn bừa bãi, ăn những thứ khác thường (gậy, móng tay), thay đổi âm thanh (khàn, gầm gừ, sủa không ra tiếng), tiết rất nhiều nước bọt….
c) Nếu bị cắn bởi chó mèo đã tiêm vacxin phòng dại thì có cần đi tiêm ngừa không?
Có. Ngay cả khi chó, mèo đó đã được tiêm phòng, người bị cắn vẫn phải tới các cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Bác sĩ sẽ khám vết thương và tư vấn xem bạn có cần phải tiêm ngừa hay không. Chó, mèo đã được tiêm phòng là một yếu tố để hạn chế nguy cơ bị bệnh chứ không thể khẳng định hoàn toàn là chúng không bị bệnh dại. Do đó, bạn không được chủ quan.
3/ BỆNH DẠI CHỈ CÓ THỂ PHÒNG BẰNG TIÊM NGỪA
KHÔNG CÓ phương pháp điều trị đặc biệt nào một khi bệnh nhân đã phát bệnh dại. Bệnh nhân gần như tử vong sau vài ngày phát bệnh. Chúng ta hầu như không thể làm được gì ngoài việc giữ cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, giảm đau đớn và lo lắng bồn chồn.
Giữ bệnh nhân trong một căn phòng yên tĩnh với ánh sáng dịu và tránh các tác nhân kích thích (ví dụ như tiếng ồn lớn, không khí lạnh) vì chúng có thể làm tăng nguy cơ co thắt và co giật. Người chăm sóc bệnh nhân cần sử dụng thiết bị phòng hộ để tránh vết cắn hoặc tiếp xúc với nước bọt có chứa vi rút dại.
Vì vậy, việc duy nhất phải làm khi bị chó mèo cắn, cào đó là đến cơ sở y tể để được tiêm ngừa và xử trí vết thương đúng cách. Đây là biện pháp duy nhất bảo vệ bạn trước bệnh dại.
Nguồn: Tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh