Theo ghi nhận từ Bệnh viện thành phố Thủ Đức, số lượng người dân đến khám các vấn đề về tiêu hóa sau Tết tăng khoảng 20-30% so với ngày thường. Tuy đây là tình trạng thường gặp sau những ngày Tết do thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt, nhưng vẫn cần được người dân và các cơ sở y tế quan tâm để có biện pháp phòng ngừa và xử trí phù hợp.
BSCKI. Mai Hùng Cường – Trưởng đơn vị tiêu hóa, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết: “Nhiều người gặp phải các triệu chứng như đau bụng, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón sau những ngày ăn uống không điều độ. Đặc biệt nghiêm trọng ở nhóm bệnh nhân có tiền sử về các bệnh đường tiêu hóa“.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do ăn uống quá nhiều thức ăn giàu đạm, dầu mỡ, lạm dụng rượu bia và thay đổi thói quen sinh hoạt trong dịp Tết. Bên cạnh đó, stress và thiếu vận động cũng là những yếu tố làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa.
Để phát hiện sớm rối loạn tiêu hóa, người dân cần chú ý các dấu hiệu như đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. “Nếu các triệu chứng này kéo dài trên 48 giờ hoặc kèm theo sốt cao, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hùng Cường nhấn mạnh.
Bác sĩ khuyến cáo không nên tự ý sử dụng thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau hoặc kháng sinh. Thay vào đó, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường rau xanh và trái cây, chia nhỏ bữa ăn và duy trì thói quen sinh hoạt điều độ.
Đối với người có tiền sử bệnh tiêu hóa, BSCKI. Mai Hùng Cường khuyến nghị: “Những bệnh nhân này cần có kế hoạch phòng ngừa từ trước Tết, duy trì đều đặn việc uống thuốc theo đơn và tránh các thực phẩm kích thích. Khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.”
Khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện thành phố Thủ Đức luôn sẵn sàng khám và điều trị cho người dân có các vấn đề về tiêu hóa. Người dân có thể đến khám tại Khoa trong giờ hành chính để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.