Hè đến là lúc nhu cầu dùng các loại nước giải khát chứa đường tăng cao. Ăn nhiều đường từ thực phẩm, nước ngọt có thể đẩy nhanh tình trạng lão hóa. Ngoài ra, chế độ ăn uống nhiều đường còn nguy cơ gây ra các bệnh lý nguy hiểm khác…
1. Ăn nhiều đường ảnh hưởng đến ngoại hình
Ăn nhiều đường khiến bạn mau già: Các collagen và sợi elastin trong da bị ảnh hưởng rất nhiều từ lượng đường trong máu. Theo đó khi lượng đường tăng, sẽ tác động lên làn da bằng cách phá vỡ collagen, khiến bạn lão hóa nhanh hơn. Điều này xảy ra thông qua một quá trình gọi là “glycation”. Tức là khi glucose gắn vào các protein trong cơ thể, bao gồm cả collagen và elastin (là các protein có trách nhiệm giữ cho làn da mịn màng), quá trình này làm cho các protein khó phục hồi, dẫn đến các nếp nhăn và dấu hiệu lão hóa.
Ăn nhiều đường gây sâu răng: Mặc dù đường không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sâu răng, nhưng trong miệng – răng – nướu có nhiều loại vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ ăn đường và tiết ra acid có thể phá hủy men răng. Khi men răng yếu, dẫn đến tình trạng dễ bị sâu răng.
Tăng cân
Thực phẩm chứa lượng đường cao chứa một lượng lớn calo, nhưng thậm chí không có protein và chất xơ. Vì vậy, khi ăn thực phẩm chứa nhiều đường, sẽ ăn nhiều hơn trước khi cảm thấy no. Khi lượng đường dư thừa tương đương với lượng calo dư thừa, tương đương với trọng lượng dư thừa tích lũy dưới dạng chất béo. Và nếu ăn thực phẩm chứa nhiều đường sẽ luôn cảm thấy đói và muốn ăn nữa. Đó là một vòng lặp lại nguy hiểm. Nếu ăn 1 thanh kẹo và một lon nước ngọt 600ml mỗi ngày, đủ để thừa ra 500 calo và dễ dàng tăng 0,5kg chỉ trong vòng 1 tuần.
Ăn nhiều đường khiến cơ thể mệt mỏi: Cảm thấy uể oải mọi lúc mọi nơi, hoặc luôn cảm thấy đói, khát có thể là dấu hiệu khi ăn một lượng đường lớn. Đây là một phản ứng sinh lý của cơ thể, tăng cường sản sinh insulin ra để chuyển hóa lượng đường cao trong máu. Ngoài ra, khi ăn lượng đường lớn thường cảm thấy đói và mệt do thiếu các chất dinh dưỡng khác (protein và chất xơ) để duy trì năng lượng.
2. Ăn nhiều đường dễ mắc bệnh mạn tính
Đái tháo đường
Tác động dài hạn của việc ăn quá nhiều đường là dẫn đến béo phì. Béo phì có thể dẫn đến đề kháng insulin, khiến lượng đường trong máu không thể hạ xuống, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu được cơ chế đề kháng insulin khi lượng đường dư thừa trong máu, nhưng điều này có thể là do khả năng chuyển hóa glucose từ máu để chuyển thành năng lượng sử dụng cho tế bào bị hạn chế. Nồng độ đường trong máu trên mức bình thường được gọi là tiền đái tháo đường. Khi nó đạt đến mức độ cao hơn nữa, có thể gây bệnh đái tháo đường type 2. Lúc này tuyến tụy phải tiếp tục sản xuất nhiều insulin và tiếp tục tạo ra vòng luẩn quẩn cho đến khi tế bào không đáp ứng với insulin mà chấp nhận glucose. Quá trình này diễn ra lâu dài còn dẫn đến suy tụy, tụy không còn sản xuất được insulin và buộc phải dùng insulin thay thế.
Gan nhiễm mỡ, suy gan
Gan đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa carbohydrate. Bằng cách lấy glucose dư thừa ra khỏi máu và lưu trữ dưới dạng glycogen, dành cho các hoạt động sử dụng sau này, chẳng hạn như khoảng thời gian giữa các bữa ăn, gan sẽ phát hành glucose vào máu trở lại. Nhưng gan chỉ có thể lưu trữ một lượng nhất định glucose, do đó, nếu tiếp tục dư đường, phần còn lại sẽ tích trữ dưới dạng mỡ. Nếu vượt quá mức nữa, đường sẽ chuyển thành các acid béo tích lũy trong gan. Điều này có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Mặc dù đường không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến gan nhiễm mỡ, nhưng do dự trữ glycogen gây ra hậu quả này. Gan nhiễm mỡ do dư thừa đường có thể phát triển trong khoảng thời gian 5 năm, nhưng nó có thể xảy ra nhanh hơn, dựa trên thói quen ăn uống và gen di truyền của mỗi người. Nếu tình trạng gan nhiễm mỡ tiếp tục tiến triển, cuối cùng sẽ dẫn đến suy gan.