Hội thảo khoa học “Bước tiến trong điều trị bệnh thận mạn: Từ khuyến cáo đến thực hành”

Bệnh thận mạn là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau theo nhiều con đường dẫn đến biến đổi không hồi phục về cấu trúc và chức năng của thận diễn ra trong thời gian dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Tỉ lệ hiện mắc bệnh thận mạn trên phạm vi toàn cầu xấp xỉ 10% (năm 2017 có 843,6 triệu người mắc) và có khuynh hướng gia tăng theo thời gian. Bệnh thận mạn là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 năm 2017 và dự báo năm 2040 sẽ lên hàng thứ 5.
Phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận khác luôn là mối quan tâm hàng đầu của ngành Thận học thế giới và các nước, trong đó việc phát hành và cập nhật các khuyến cáo chẩn đoán và điều trị trong các lĩnh vực này là một trong những hoạt động quan trọng giúp đạt được mục đích trên.
Nhằm cập nhật các khuyến cáo mới nhất về chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn và một số bệnh lý thận, ngày 13/8, Bệnh viện thành phố (TP) Thủ Đức tổ chức Hội thảo “Bước tiến trong điều trị bệnh Thận mạn: Từ khuyến cáo đến thực hành”. Tham dự chương trình có Ban chủ tọa: PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi – Chủ tịch Hội Lọc Máu TP. Hồ Chí Minh, BSCKII. Võ Đức Chiến – Giám Đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TS.BS. Vũ Trí Thanh – Giám Đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TS.BS. Lê Đức Nhân – Giám Đốc Bệnh viện Đà Nẵng.
Chia sẻ tại chương trình, TS.BS Vũ Trí Thanh cho biết bệnh thận mạn chiếm tỷ lệ rất cao khi có đến 8 – 12% dân số mắc bệnh. Việc phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp sẽ giảm tỷ lệ bệnh tật, tăng cơ hội cho bệnh nhân đồng thời giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Chương trình hôm nay là cơ hội để các y bác sĩ tại các đơn vị tham gia được học hỏi, trao dồi kinh nghiệm từ các chuyên gia đầu ngành trong điều trị bệnh thận mạn và các bệnh về thận.
Chương trình mang đến 03 bài báo cáo: “Tầm soát bệnh thận mạn ở bệnh nhân nguy cơ cao” – BSCKII. Vũ Thị Minh Hoa, Trưởng khoa Thận – Lọc máu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; “Điều trị bệnh thận mạn theo hướng dẫn cập nhật: Vai trò của SGLT2i” – TS.BS Đặng Anh Đào, Bệnh viện Đà Nẵng; “Ca lâm sàng: Ứng dụng và các lưu ý trong thực hành điều trị với SGLT2i” – BSCKII. Ngô Thế Phi, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện TP Thủ Đức.
Nối tiếp chương trình là phiên tham luận của các chuyên gia về các chủ đề “Quản lý bệnh thận mạn từ góc nhìn bảo Bảo hiểm và Dược” và “Ứng dụng các hướng dẫn điều trị bệnh thận mạn hiện nay”.
Thông qua chương trình, các kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ là tiền đề cho toàn thể nhân viên bệnh viện được học hỏi, tiếp thu và ứng dụng vào thực tế, đem lại nhiều cơ hội điều trị tốt hơn cho người bệnh Thận mạn và các bệnh lý về thận.