Hạ Canxi máu nguy hiểm như thế nào?

Cơ thể hạ canxi máu khi lượng canxi trong máu hạ quá thấp. Hạ canxi máu có thể trở nên nghiêm trọng gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng như co giật hay suy tim sung huyết nếu không được điều trị kịp thời.
1/ Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây hạ canxi máu
Nguyên nhân hạ canxi máu còn tùy vào sức khỏe và rối loạn khác nhau của từng người bệnh. Các nguyên nhân chính gây hạ canxi máu gồm:
– Suy tuyến cận giáp: Bệnh xảy ra khi tuyến cận giáp của cơ thể không tạo đủ hormone. Mức hormone tuyến cận giáp thấp khiến lượng canxi trong cơ thể thấp.
– Thiếu vitamin D sẽ làm lượng canxi trong máu thấp.
– Thiếu canxi: Nếu người bệnh không hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết hoặc cơ thể rối loạn nội tiết, cản trở khả năng hấp thụ canxi cũng gây hạ canxi máu.
– Suy thận: Khi nồng độ photpho trong máu tăng lên, thận giảm sản xuất một loại vitamin D nhất định, gây hạ canxi máu.
– Hạ magie máu: Tuyến cận giáp cần magie để tạo và giải phóng hormone tuyến cận giáp. Vì vậy, khi magie quá thấp, hormone không sản xuất đủ nên nồng độ canxi trong máu thấp hơn gây hạ canxi máu.
– Một số loại thuốc: bisphosphonates, corticosteroid, rifampin, calcitonin, chloroquine, cinacalcet, denosumab, foscarnet và plicamycin đều có tác dụng phụ có thể gây hạ canxi máu.
– Viêm tụy: Khoảng 15% – 88% người viêm tụy cấp sẽ hạ canxi máu. Khi cơ thể phản ứng bảo vệ mình với tình trạng viêm tụy sẽ thường gây hạ canxi máu.
– Tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền như đột biến gen, rối loạn vitamin D hoặc hội chứng DiGeorge.
2/ Các biến chứng của hạ canxi máu
Bệnh hạ canxi máu có thể trở nên nghiêm trọng gây ra các biến chứng đe dọa đến tính mạng như co giật hay suy tim sung huyết nếu không được điều trị kịp thời.
Một số biến chứng tụt canxi máu thường gặp, như:
– Da khô.
– Móng tay dễ gãy, yếu, không đủ dày.
– Chuột rút.
– Mất ngủ, thức dậy luôn cảm thấy mệt mỏi.
– Răng bị sâu, chậm mọc.
– Co giật: Canxi kết hợp với magie và vitamin D có tác dụng điều chỉnh các xung điện của cơ thể. Nếu mức canxi không phù hợp có thể khiến cơ co giật, co thắt.
– Co thắt thanh quản: Tụt canxi máu nặng với nồng độ Ca huyết tương < 7mg/dL (1,75nmol/L) gây co thắt thanh quản.
– Rối loạn nhịp tim, suy tim cấp.
– Chậm dậy thì, ảnh hưởng đến kinh nguyệt: Thiếu hụt canxi trong cơ thể khiến thanh thiếu niên chậm dậy thì. Ở nữ giới, bệnh gây các vấn đề dậy thì liên quan đến thời kỳ rụng trứng như đau bụng tiền kinh nguyệt.
3/ Cách cấp cứu hạ canxi máu tại nhà
Một số nguyên tắc cấp cứu tại nhà cần tuân thủ khi gặp người bệnh hạ canxi máu như sau:
– Đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát để nghỉ ngơi.
– Bạn có thể vỗ nhẹ 2 bên má để giúp bệnh nhân tỉnh táo. Trong trường hợp bệnh nhân bị ngất, bạn có thể thử ấn huyệt nhân trung tại vị trí giữa miệng và mũi.
– Pha viên canxi dạng sủi với liều lượng 1 viên hòa tan với 1 cốc nước cho bệnh nhân uống.
– Nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng bạn cần kịp thời đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu đúng cách và phù hợp.