Tiêu chảy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, trong đó có trẻ sơ sinh. Nhiều cha mẹ chủ quan dẫn tới chậm trễ điều trị làm nguy hại đến sức khỏe của trẻ.
NHẬN BIẾT TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ SƠ SINH
Tiêu chảy là tình trạng tiêu phân lỏng bất thường (toàn nước) ≥ 3 lần/24 giờ.
Bệnh tiêu chảy có 3 thể lâm sàng chính:
- Tiêu chảy cấp: tiêu chảy < 14 ngày.
- Hội chứng lỵ: tiêu phân lỏng kèm máu trong phân.
- Tiêu chảy kéo dài: tiêu chảy ≥ 14 ngày (≥ 30 ngày: tiêu chảy mạn tính).
Khi bị tiêu chảy, trẻ thường mệt mỏi, bỏ bú, đi ngoài nhiều lần, đi ngoài phân lỏng có màu vàng hoặc xanh, có thể có máu. Mất nước là biểu hiện đáng lo nhất của tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Biểu hiện cảnh báo theo từng mức độ như sau:
1/ Mất nước mức độ nhẹ
- Khô miệng, khô mắt, khóc ít chảy nước. mắt hoặc không chảy nước mắt.
- Đi tiểu ít hơn bình thường.
- Bé mệt mỏi, hay quấy khóc.
2/ Mất nước mức độ vừa
- Da khô.
- Xuất hiện hiện tượng trũng mắt.
- Bé lờ đờ hoặc li bì.
3/Mất nước mức độ nặng
- Thóp trũng, da bé mất khả năng đàn hồi.
- Trẻ không đi tiểu trong vòng 6 giờ.
- Rất lờ đờ, li bì có khi hôn mê, bất tỉnh.
- Mạch đập nhanh, tụt huyết áp.
Ngoài ra, nếu trẻ tiêu chảy có dấu hiệu sau cần đến bệnh viện ngay lập tức:
- Trẻ đi ngoài phân có nhầy, máu.
- Tình trạng tiêu chảy ngày càng trở nặng.
- Trẻ bú kém hoặc nôn ói nhiều.
- Sốt.
- Trẻ bứt rứt, hoặc li bì khó đánh thức.
Tình trạng này vô cùng nguy hiểm, với các triệu chứng chính là tiêu chảy, nôn, mất nước, rối loạn điện giải, nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể dẫn đến tử vong.